Bài liên quan |
Chỉ tiêu công nghiệp, thương mại năm 2025 cho ngành Công Thương |
Theo Bộ Công Thương, kế hoạch hành động lần này được xây dựng với mục tiêu kép: Đẩy mạnh xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào thị trường truyền thống và giảm nhập siêu, đồng thời phát triển bền vững thị trường nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Khai thác hiệu quả các FTA, mở rộng thị trường mới
Một trong những trụ cột quan trọng của kế hoạch là thúc đẩy khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) đã ký kết. Việc tận dụng ưu đãi thuế quan, giảm hàng rào phi thuế và nâng cấp cam kết thương mại sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cụ thể, Cục Xúc tiến thương mại được giao tổ chức các chương trình xúc tiến chuyên sâu tại những thị trường có FTA, thị trường ngách và các khu vực mới nổi như Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ Latin… Đồng thời, đơn vị này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu quốc tế, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, và tổ chức sự kiện “Vietnam International Sourcing 2025” nhằm kết nối cung ứng toàn cầu, mở rộng mạng lưới văn phòng xúc tiến thương mại tại nước ngoài.
![]() |
Chiến dịch thương mại 2025: Mở rộng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp vượt rào cản |
Trong khi đó, Cục Xuất nhập khẩu có nhiệm vụ cập nhật và phổ biến thông tin về các FTA đến cộng đồng doanh nghiệp, hướng dẫn cụ thể cách tận dụng ưu đãi thuế quan. Một trọng tâm đặc biệt được đặt ra là giảm nhập siêu từ thị trường Trung Quốc, thông qua điều tiết cán cân thương mại và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt.
Vụ Phát triển thị trường nước ngoài sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường xuất khẩu và phân tích chuyên sâu các cam kết trong các FTA, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá cơ hội – thách thức và xây dựng chiến lược thị trường. Song song, Vụ Chính sách thương mại đa biên sẽ tập trung rà soát, nâng cấp các FTA hiện hành, mở rộng phạm vi hợp tác kinh tế và đa dạng hóa nguồn cung ứng, đảm bảo tính bền vững của chuỗi cung ứng.
Thúc đẩy tiêu dùng nội địa và chuyển đổi số
Ở lĩnh vực thương mại trong nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ đóng vai trò chủ lực trong việc kết nối thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nền tảng số. Song song, Bộ sẽ phát động các chiến dịch tiêu dùng hàng Việt trên nền tảng số, từ đó vừa nâng cao sức mua trong nước, vừa tăng cường sự hiện diện của hàng Việt trên các kênh phân phối hiện đại.
Chiến dịch cũng nhấn mạnh đến việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản kỹ thuật, tuân thủ quy chuẩn quốc tế và bảo vệ sản xuất trong nước thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp.
Toàn bộ kế hoạch hành động thương mại 2025 hướng tới hai mục tiêu chiến lược: Thứ nhất, đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác triệt để các hiệp định thương mại tự do, đồng thời mở rộng thị trường mới, giảm phụ thuộc vào một số đối tác truyền thống và từng bước siết chặt nhập siêu.
Thứ hai, phát triển thị trường nội địa một cách bền vững thông qua chuyển đổi số, nâng cao nhận diện hàng Việt, và hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với các yêu cầu mới của thị trường toàn cầu.
Bộ Công Thương kỳ vọng rằng, với sự phân công rõ ràng và các hành động thiết thực, kế hoạch hành động 2025 sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động thương mại, đưa hàng Việt vươn xa hơn trên thị trường quốc tế, đồng thời củng cố nền tảng vững chắc cho tiêu dùng nội địa và năng lực cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên hội nhập.