Theo cập nhật mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát toàn cầu năm 2025 được dự báo đạt 4,3%, tăng 0,1 điểm % so với dự báo hồi tháng 1/2025. Tổ chức này kỳ vọng, chỉ số này sẽ giảm còn 3,6% vào năm 2026, tuy nhiên vẫn cao hơn so với mức mục tiêu trung bình của nhiều ngân hàng trung ương.
Tương tự, Liên hợp quốc (UN) cho rằng, dù lạm phát toàn cầu đã giảm từ 4% năm 2024 xuống còn 3,6% năm 2025, mức giảm này vẫn thấp hơn kỳ vọng. Đáng chú ý, con số này tăng 0,2 điểm % so với dự báo hồi đầu năm, chủ yếu do tăng thuế quan tại các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ, làm gia tăng chi phí hàng hóa tiêu dùng.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, lạm phát toàn cầu năm 2025 có thể đạt 2,9%, tuy thấp hơn so với các tổ chức khác nhưng vẫn vượt mức mục tiêu lạm phát trung bình và cao hơn giai đoạn tiền đại dịch. Theo WB, mặc dù giá hàng hóa có xu hướng giảm nhờ nhu cầu suy yếu và nguồn cung được cải thiện, một số mặt hàng vẫn đối diện rủi ro riêng biệt, do căng thẳng địa chính trị và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.
![]() |
Lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng nhẹ, tiềm ẩn nhiều rủi ro từ thương mại |
Giá dầu giảm nhưng vẫn nhiều ẩn số
Giá dầu – một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến lạm phát – được dự báo tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2025. WB và IMF đều dự báo giá dầu Brent trung bình khoảng 66 - 66,94 USD/thùng, tương ứng mức giảm 15,5% so với năm trước. Áp lực giảm chủ yếu xuất phát từ sản lượng gia tăng của OPEC+, nhu cầu suy yếu do tăng trưởng kinh tế chậm lại, cũng như sự phổ biến ngày càng rộng của xe điện.
Nguồn cung dầu toàn cầu được dự báo đạt mức cao kỷ lục 104,2 triệu thùng/ngày trong năm 2025, vượt xa nhu cầu. Tuy nhiên, WB lưu ý thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro tăng giá trở lại, nếu các lệnh trừng phạt nhắm vào Iran, Nga, Venezuela được siết chặt, hoặc OPEC+ trì hoãn việc mở rộng sản lượng.
Khí đốt và kim loại biến động
Trái ngược với dầu mỏ, giá khí đốt tự nhiên dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2025, đặc biệt tại Hoa Kỳ – nơi được dự báo giá sẽ tăng 22,8% do ảnh hưởng của thời tiết lạnh hơn bình thường và việc Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt sang châu Âu từ tháng 1/2025.
Trong lĩnh vực kim loại, các kim loại cơ bản như đồng, nhôm và quặng sắt được dự báo sẽ giảm giá trong nửa cuối năm 2025 đến 2026 do nhu cầu sản xuất suy yếu vì rào cản thương mại. Cụ thể, giá nhôm giảm 5,7%, đồng giảm 4,5% và quặng sắt giảm 14,3%.
Dù vậy, thị trường vẫn có thể ghi nhận những đợt tăng giá cục bộ đối với các mặt hàng chiến lược như lithium, đồng và quặng sắt, do nhu cầu dài hạn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và xe điện vẫn ở mức cao.
Đáng chú ý, kim loại quý – đặc biệt là vàng – được kỳ vọng tăng mạnh hơn 30% trong năm 2025, trong bối cảnh nhà đầu tư tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn trước những bất ổn chính trị, tài chính ngày càng phức tạp. Giá vàng trung bình năm 2025 có thể đạt mức kỷ lục mới.
Giá lương thực ổn định, nhưng tiềm ẩn biến động
Đối với hàng hóa nông sản, giá lương thực thế giới được dự báo ổn định trong năm 2025. Chỉ số giá lương thực của FAO (FFPI) trong tháng 5/2025 đạt trung bình 127,7 điểm, giảm nhẹ so với tháng 4 nhưng vẫn cao hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá các sản phẩm từ sữa và thịt tăng là nguyên nhân chính, trong khi giá ngũ cốc, đường và dầu thực vật lại giảm nhờ nguồn cung dồi dào và logistics được cải thiện.