Bài liên quan |
Xuất khẩu cao su Việt Nam dự báo đạt 3 - 3,5 tỷ USD trong năm 2024 |
Xuất khẩu cao su Việt Nam 2025 đặt mục tiêu trên 11 tỷ USD |
Chỉ còn chưa đầy sáu tháng nữa, Quy định chống mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) sẽ chính thức có hiệu lực. Kể từ ngày 30/12/2025, mọi lô hàng cao su nhập khẩu vào châu Âu sẽ phải chứng minh được tính hợp pháp, khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng, và đặc biệt là không gây ra mất rừng hay suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020.
Với một ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực như cao su, quy định này không đơn thuần là rào cản kỹ thuật, mà còn là phép thử lớn cho năng lực tái cấu trúc chuỗi cung của cả ngành. Nhưng nếu vượt qua, đây sẽ là cú huých để ngành cao su Việt Nam định vị lại giá trị, từ một nhà cung ứng nguyên liệu giá rẻ thành đối tác chiến lược của những thị trường khó tính nhất thế giới.
![]() |
Quy định chống mất rừng của EU: Cửa sáng cho cao su Việt Nam? |
Tính đến hết tháng 6 năm 2025, ngành cao su Việt Nam đã xuất khẩu 680.000 tấn sản phẩm, mang về kim ngạch 1,27 tỷ USD. Thị trường châu Âu hiện chiếm khoảng 7,4% tổng giá trị xuất khẩu, đứng thứ ba sau Trung Quốc và Ấn Độ. Dù tỷ trọng chưa lớn, EU lại là thị trường có sức ảnh hưởng rất lớn về mặt tiêu chuẩn, quy chuẩn và xu hướng tiêu dùng bền vững, đặc biệt trong bối cảnh tiêu chuẩn xanh đang dần trở thành điều kiện bắt buộc để duy trì chỗ đứng trên thị trường toàn cầu.
EUDR yêu cầu mọi sản phẩm cao su nhập khẩu phải truy xuất được nguồn gốc đến tận vùng sản xuất, với đầy đủ thông tin pháp lý về đất đai, phương thức canh tác, hồ sơ giao dịch giữa các bên tham gia chuỗi. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam – nơi có tới 264.000 hộ tiểu điền tham gia sản xuất cao su nhưng phần lớn không có sổ ghi chép, không lưu trữ hồ sơ giao dịch và nhiều hộ vẫn chưa có giấy tờ pháp lý rõ ràng về quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là ngành cao su Việt Nam đã không đứng yên. Nhiều doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp tư nhân tiên phong, đã và đang xây dựng những mô hình chuỗi cung khép kín – liên kết hộ tiểu điền với nhà máy chế biến, thông qua hệ thống đại lý có tổ chức, có kiểm soát. Mục tiêu là tạo ra những chuỗi cung có khả năng truy xuất và tuân thủ EUDR một cách bài bản.
Theo ông Võ Hoàng An – Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, từ năm 2017 đến nay, diện tích trồng cao su của hộ tiểu điền đã vượt qua đại điền và hiện chiếm tới 63% tổng sản lượng nguyên liệu cao su trong nước. Điều đó có nghĩa là nếu không tổ chức lại được chuỗi tiểu điền, ngành cao su sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc duy trì xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như EU.
Tiến sĩ Tô Xuân Phúc – Giám đốc Chương trình Chính sách, Tài chính và Thương mại rừng của Forest Trends – nhấn mạnh rằng việc tái cấu trúc chuỗi cung tiểu điền để đáp ứng yêu cầu truy xuất là xu thế bắt buộc. Theo ông, đây chính là cơ hội để hiện đại hóa ngành, nâng cao năng lực quản trị và đặc biệt là tăng thu nhập bền vững cho nông hộ – những người lâu nay vẫn ở vị trí yếu thế trong chuỗi giá trị.
Vai trò của doanh nghiệp trong tiến trình này là vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp chế biến – đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân – cần trở thành hạt nhân thúc đẩy tổ chức lại chuỗi cung theo hướng minh bạch, bền vững và có trách nhiệm. Việc hỗ trợ hộ tiểu điền ghi chép, hợp pháp hóa đất đai, tổ chức lại giao dịch là những nhiệm vụ không thể phó mặc cho Nhà nước. Đây nên được coi là một hợp phần chiến lược trong mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, không chỉ để tuân thủ EUDR mà còn để khẳng định cam kết phát triển bền vững với các đối tác quốc tế.
Ở cấp độ chính sách, Việt Nam cũng cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc ngành cao su, thiết lập các trung tâm chứng nhận và dữ liệu chung, tăng cường hỗ trợ pháp lý cho các hộ tiểu điền về quyền sử dụng đất, và đặc biệt là thúc đẩy mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác làm nòng cốt để quản trị chuỗi cung ở cấp cộng đồng.
EUDR là một ngưỡng cao, nhưng không phải là cánh cửa khép lại. Đó là cánh cửa hẹp – buộc các quốc gia sản xuất phải đi qua con đường bền vững, minh bạch, có trách nhiệm. Nếu vượt qua, phần thưởng không chỉ là thị trường châu Âu mà còn là niềm tin từ toàn cầu, là vị thế mới cho ngành cao su Việt Nam trong kỷ nguyên kinh tế xanh.