GDP vẫn có thể chạm mức 6% trong năm 2023

15:57 27/11/2023

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong hai tháng còn lại của quý IV này và GDP vẫn có thể chạm mức 6% trong năm 2023.

  1. Ảnh minh họa
    Ảnh minh họa.

    Theo báo cáo của Chính phủ, nền kinh tế vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. 

    Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ước khoảng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5%. Thu NSNN phấn đấu đạt hoặc vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất (đến hết tháng 9 đã miễn, giảm, gia hạn khoảng 152,5 nghìn tỷ đồng). Cả năm 2023 ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.

  2. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế đề nghị quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn dự kiến 05/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5%. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% cùng kỳ. Xuất siêu tăng do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm (13,9%), cho thấy nhu cầu đầu vào sản xuất trong nước tiếp tục chậm lại. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm dần qua các quý (Quý I tăng 13,9% đến Quý III chỉ tăng 7,3%).

    Một số ý kiến cho rằng cả 3 động lực về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải các bon và kinh tế tuần hoàn.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV khẳng định, tác động của xung đột Israel-Hamas hiện nay đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhìn chung tác động sẽ không lớn.

  1. Cụ thể, ông Lực cho hay, sẽ có 3 kịch bản tác động có thể xảy ra: Trường hợp xung đột không lan rộng thì tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 vẫn như dự báo hiện nay, khoảng 5% theo kịch bản cơ sở; Trường hợp xung đột lan rộng, đủ làm giá xăng dầu tăng mạnh dẫn đến sức mua và tiêu dùng thực giảm, tăng trưởng GDP dự báo giảm 0,06 điểm %; Trường hợp xung đột lan rất rộng, tác động gián tiếp làm tăng trưởng GDP giảm 0,13-0,15 điểm % trong cả năm 2023 và 2024 (năm 2024 dự báo tăng trưởng GDP 6-6,5%).
  2. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV
    TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV.

Ông Lực cho biết, ở kịch bản cơ sở, dự báo GDP quý IV/2023 sẽ tăng trưởng khoảng trên 7%, giúp cả năm 2023 có thể đạt mức 5-5,2%. “Chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh quốc tế kém thuận lợi và nội tại còn nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP cả năm 2023 có thể đạt 5-5,2% (kịch bản cơ sở) hoặc 5,3-5,5% (kịch bản tích cực) nhờ tiêu dùng tăng trưởng vững chắc, đầu tư công tiếp tục được mở rộng, đầu tư tư nhân, các lĩnh vực gặp khó khăn như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, thị trường BĐS... tiếp tục cải thiện”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý rằng, để đạt được mức tăng trưởng theo kịch bản cơ sở hoặc cao hơn, GDP quý IV/2023 cần tăng trưởng 6,9-7,7%. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực hơn nữa của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cùng sự đồng lòng của doanh nghiệp và người dân. Còn ở kịch bản tiêu cực, nếu tăng trưởng GDP quý IV chỉ đạt 5,2-6,3% thì GDP cả năm chỉ tăng 4,5-4,8%.

Trong khi đó, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, ông vẫn đang hy vọng sẽ có một sự bứt phá mạnh mẽ trong hai tháng còn lại của quý IV này và GDP vẫn có thể chạm mức 6% trong năm nay.

Ông Thịnh cho rầng, bên cạnh kỳ vọng từ đầu tư công và tiêu dùng, chuyên gia này cho rằng các doanh nghiệp sẽ rất nỗ lực vận động, mở rộng đầu tư kinh doanh để tồn tại và phát triển trong hai tháng cuối năm. “Xét trong năm, đây là dịp cuối cùng để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đưa hàng hóa ra phục vụ xuất khẩu, phục vụ thị trường trong nước trong dịp lễ, tết…

“Vì thế, tôi cho rằng diễn biến hai tháng cuối năm này rất quan trọng và vẫn kỳ vọng tăng trưởng có khả năng đạt sát mức 6%”, ông Thinh nói.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam trong năm 2022 đạt 409 tỷ USD. Còn theo IMF, con số này nhỉnh hơn một chút là 413,81 tỷ USD.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5. Việt Nam xếp sau Indonesia (1,29 nghìn tỷ USD), Thái Lan (534,76 tỷ USD), Malaysia (434,06 tỷ USD), Singapore (423,63 tỷ USD) và xếp ngay trên Philippines (401,66 tỷ USD).

Trên thế giới, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 37 về quy mô kinh tế. Indonesia đứng thứ 17, Thái Lan đứng thứ 26, Malaysia đứng thứ 35, Singapore đứng thứ 36.

Nghệ Nhân