Theo đó, 0,4 điểm phần trăm giảm đến từ khu vực thương mại và du lịch, trong khi phần còn lại sẽ đến từ việc giảm nhu cầu nhập khẩu hàng Việt Nam trong bối cảnh đại dịch corona đang hoành hành, theo dự báo của ông Khoon Goh, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của Ngân hàng ANZ.
“Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quí 1 sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự bùng phát của virus corona, chủ yếu thông qua hoạt động thương mại và du lịch với Trung Quốc trượt dốc. Gần một phần ba số du khách đến Việt Nam từ Trung Quốc. Với những hạn chế về khách du lịch đến từ Trung Quốc, chúng tôi ước tính mức tăng trưởng GDP quí 1 của Việt Nam có thể giảm tới 0,4 điểm phần trăm”, ông Khoon chia sẻ.
Du lịch là ngành chịu tác động lớn từ đại dịch nCoV. Ảnh: M. Trang |
Trong khi đó, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn của Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho rằng tác động cụ thể của đại dịch viêm đường hô hấp do virus corona lên tăng trưởng kinh tế còn chưa rõ ràng và khó để định lượng, nhưng doanh thu từ du lịch chắc chắn chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Theo ông Khoa, trong những năm gần đây, khách du lịch Trung Quốc đóng góp phần lớn vào tăng trưởng du lịch không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia lân cận trong khu vực. Số lượng khách du lịch đến từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc cũng có thể sụt giảm do lo sợ về nguy cơ lây nhiễm. Do đó, các lĩnh vực chính có khả năng bị ảnh hưởng, ít nhất là trong ngắn hạn, là vận tải, dịch vụ ăn uống và thương mại. Du lịch đóng góp hơn 8% tổng GDP, trong đó số du khách Trung Quốc chiếm 30% tổng lượng du khách đến Việt Nam. Theo ước tính, chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc đóng góp vào 0,6% GDP quốc gia.
Ngoài các tác động trên, ông Khoon của ANZ đồng thời nhấn mạnh một tác động tiêu cực khác tới tăng trưởng của Việt Nam đến từ hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang bị ngưng trệ, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam giảm. Ngoài ra, sự gián đoạn chuỗi cung ứng có nghĩa là hoạt động sản xuất tại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng nếu nguyên liệu trung gian nhập khẩu từ Trung Quốc không thể được giao.
Theo phân tích của ông Khoa, Trung Quốc hiên chiếm 1/3 tăng trưởng toàn cầu, sự sụt giảm về nhu cầu tại Trung Quốc có thể kéo theo sụt giảm thương mại cho các quốc gia khu vực bao gồm Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc chậm lại có thể gây ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, trong khi đó việc gián đoạn sản xuất do ảnh hưởng từ dịch gây ảnh hưởng đến lĩnh vực thương mại.
Đáng chú ý, xuất khẩu Việt Nam tới Trung Quốc đóng góp tới 12% GDP (tại thời điểm cuối năm 2018). Ở chiều ngược lại, bên cạnh Thái Lan và Malaysia, Việt Nam cũng là quốc gia nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc, bao gồm cả hàng hóa tiêu dùng cũng như các linh kiện thành phẩm thiết yếu cho lĩnh vực sản xuất, do đó bất kỳ sự gián đoạn nào về chuỗi cung ứng cũng gây ảnh hưởng đến sản xuất.
“Tác động đến tăng trưởng quí 1 từ những điều này có thể là thêm 0,4 điểm phần trăm giảm. Tăng trưởng GDP quí 1 của Việt Nam như vậy có thể giảm xuống dưới 6%. Tuy nhiên, một khi dịch bệnh được ngăn chặn, Việt Nam có thể phục hồi mạnh mẽ vào cuối năm nay, dự kiến bắt đầu từ quí 2”, ông Khoon nói.
Trong một goc nhìn lạc quan hơn, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng với nỗ lực và các biện pháp quyết liệt của chính phủ hiện nay, mức độ lây lan của dịch corona tại Việt Nam sẽ nằm trong tầm kiểm soát.
BVSC, như vậy, dự báo GDP trong quí 1-2020 có thể sẽ tăng quanh mức 6,5% thấp hơn 0,2-0,4% so với cùng kỳ năm 2019, sau đó sẽ dần hồi phục trở lại bắt đầu từ quí 2-2020.
“Mặc dù vậy, với tính chất phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh, chúng tôi cũng không loại trừ khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực đến hết quí 2-2020”, BVSC viết trong báo cáo ra ngày 3-2.
Cùng kỳ năm 2019, GDP của Việt Nam đạt 6,8%.
Ảnh hưởng dây chuyền
Phân tích sâu hơn về các rủi ro cho kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới, BVSC đánh giá trong bối cảnh dịch bệnh đang leo thang từng ngày, sự gián đoạn sản xuất của nước láng giềng sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định tới tình hình sản xuất toàn cầu bởi Trung Quốc là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của kinh tế thế toàn cầu. Sự thiếu hụt nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, theo đó, có thể sẽ làm gián đoạn sản xuất tại một số quốc gia, điển hình như khu vực ASEAN.
Lấy ví dụ nguyên liệu sản xuất khẩu trang tại Việt Nam sẽ trở nên khan hiếm và đắt đỏ khi thành phần chính của mặt hàng này đang được nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc.
Ở giai đoạn cao điểm của dịch SARS năm 2003, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm từ mức 11,1% trong quí 1-2003 xuống còn 9,1% trong quí 2. Điểm đáng lưu tâm là trong dịch bệnh SARS lần trước, kinh tế Trung Quốc đang trong pha mở rộng của chu kỳ kinh tế trong khi thời điểm hiện tại, kinh tế nước này đang trong chu kỳ suy giảm.
Do vậy, dịch bệnh corona sẽ càng khiến kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, ít nhất là trong quí 1, thậm chí kéo dài sang cả quí 2 (dịch SARS năm 2003, Trung Quốc phải mất 8 tháng để khống chế dịch bệnh với hơn 8.000 ca nhiễm và 800 người chết). Theo dự báo của Bloomberg, tăng trưởng GDP của Trung Quốc cho cả năm 2020 có thể sẽ về mức 5,7% - giảm 0,4% so với mức 6,1% của năm 2019.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam như vậy sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất định trong quí 1.
Cũng giống như Trung Quốc, khu vực dịch vụ của Việt Nam được đánh giá sẽ bị tác động nhiều nhất bởi dịch nCoV, điển hình là các ngành vận tải, lưu trú, du lịch, bán lẻ, nhà hàng, hoạt động giải trí. Năm 2019, khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam nên việc dừng cấp visa cho khách Trung Quốc chắc chắn sẽ khiến ngành du lịch chịu thiệt hại.
Ngoài ra, thời điểm hiện tại là cao điểm về hoạt động du xuân, lễ hội của khách du lịch trong nước nên dịch bệnh cũng sẽ khiến hoạt động này suy giảm đáng kể. Đáng chú ý đây là những hoạt động du lịch mang tính thời điểm, mùa vụ nên rất khó bù đắp trở lại trong các tháng tới, kể cả khi đã hết dịch bệnh.
Trong cơ cấu GDP năm 2019 của Việt Nam, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 41,6%. Mặc dù tỷ trọng này chưa cao như Trung Quốc nhưng khu vực dịch vụ chiếm tới 45% trong tổng mức tăng GDP của Việt Nam. Trong đó, những ngành có mức tăng trưởng cao hơn hẳn bao gồm bán buôn và bán lẻ (tăng 8,82%); vận tải, kho bãi (tăng 9,12%)... Đây đều là những ngành sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh. Tính tổng các nhóm dịch vụ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình suy giảm do dịch bệnh như như bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; nghệ thuật, vui chơi và giải trí hiện chiếm khoảng 17,3% trong GDP năm 2019.
Ngoài khu vực dịch vụ thì khu vực nông lâm thuỷ sản cũng sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh khi hoạt động xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ sụt giảm. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt 5,92 tỉ đô la, chiếm tỷ trọng 35%.
Do đó, nếu hoạt động giao thương với Trung Quốc bị ảnh hưởng do dịch bệnh, tăng trưởng của khu vực nông - lâm - thuỷ sản (vốn đã ở mức thấp) sẽ có nguy cơ suy giảm thêm, từ đó kéo theo cầu tiêu dùng của người lao động thuộc khu vực này cũng giảm theo. Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua đường biên mậu phần nào bị ảnh hưởng chủ yếu do sự chủ động từ phía Việt Nam. Do đó, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hoặc các cơ quan quản lý đưa được ra cách thức quản lý hợp lý để duy trì việc xuất-nhập khẩu hàng hóa trong khi vẫn kiểm soát con người vận hành, các hoạt động này cũng sẽ nhanh chóng được nối lại, qua đó giảm thiểu thiệt hại đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Đối với khu vực công nghiệp – xây dựng, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu xuất phát từ dịch bệnh ở Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu một số mặt hàng làm nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tại Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc năm 2019 chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 24% còn nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao hơn (38,7%). Trên cơ sở đó, dịch bệnh tại Trung Quốc có thế gây ảnh hưởng đến sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu của Việt Nam như điện thoại và linh kiện điện tử; máy vi tính, sản phẩm điện tử, dệt may, da giày…
Chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020 vì dịch nCoV Ước tính GDP quí 1 của Việt Nam có thể sụt giảm khoảng 1% nhưng Chính phủ chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020.
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1-2020 (5-2), Chính phủ cho biết, thống kê cho thấy, trong 7 ngày Tết, ngành dịch vụ của Trung Quốc đã sụt giảm 144 tỉ đô la, GDP có thể giảm mạnh mấy phần trăm. Các thị trường chứng khoán trên thế giới giảm điểm và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu cảnh tương tự. Các ngành hàng không, du lịch, xuất nhập khẩu, nông nghiệp... chịu tác động mạnh vì dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV.
Chính phủ phân tích rằng, trong quí 1 có thời kỳ nghỉ Tết kéo dài cộng với dịch bệnh, có thể tăng trưởng GDP quí này sẽ giảm khoảng 1%. Vì tác động của suy giảm kinh tế Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam. Tuy nhiên, Thủ tướng nói rằng chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 2020 mà tập trung các biện pháp dốc sức chống dịch và đẩy mạnh sản xuất để đạt tăng trưởng ổn định.
Lan Nhi
Trang Nguyễn