FoodMap đã huy động được 4,5 triệu USD dù mới thành lập từ năm 2020

07:32 30/06/2023

Công ty công nghệ nông nghiệp FoodMap đã huy động được 4,5 triệu USD kể từ khi thành lập năm 2020. Theo đó, Startup công nghệ nông nghiệp (agritech) và thương mại điện tử nông nghiệp của Việt Nam là FoodMap đang tạo sóng trên thị trường gọi vốn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Startup công nghệ nông nghiệp (agritech) và thương mại điện tử nông nghiệp của Việt Nam là FoodMap đã huy động được 1 triệu USD trong một vòng gọi vốn cầu nối. Theo DealStreetAsia, nguồn vốn này sẽ giúp FoodMap mở rộng sang các thị trường mới.

Giám đốc điều hành Phạm Ngọc Anh Tùng cho biết các nhà đầu tư hiện tại đã tham gia vào vòng này bao gồm Vulpes Investment Management, Beenext và Wavemaker Partners. Một công ty Singapore cũng tham gia với tư cách là nhà đầu tư mới.

Cách đây hơn một năm, công ty đã huy động được 3 triệu USD trong vòng gọi vốn tiền Series A do Vulpes Ventures và Beenext đồng dẫn đầu, với sự tham gia của Ascend Vietnam Ventures và Wavemaker Partners.

Vào năm 2020, FoodMap đã huy động được 500.000 USD tiền tài trợ trong vòng hạt giống từ Wavemaker Partners.

Như vậy, FoodMap đã huy động được tổng cộng 4,5 triệu USD kể từ khi thành lập năm 2020.

Được thành lập bởi ông Phạm Ngọc Anh Tùng, FoodMap là nơi kết nối nông dân, nhà sản xuất thực phẩm với các cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp. Công ty cũng vận hành nền tảng thương mại điện tử công nghệ kết nối trực tiếp nông dân và nhà sản xuất thực phẩm với khách hàng trên cơ sở giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2C).

Sàn điện tử nông sản này cũng có 5 nhãn hiệu riêng, bao gồm các nhãn hiệu cho trà, cà phê, trái cây, socola và hải sản.

Trước khi bắt đầu khởi nghiệp với FoodMap, Phạm Ngọc Anh Tùng đã có hai năm làm Giám đốc nông trại Cầu Đất Farm (Đà Lạt, Lâm Đồng).

Báo cáo của Tracxn cho thấy các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã huy động được tổng cộng 40,6 triệu USD trong quý I/2023, thấp hơn 49% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cao hơn 40% so với quý IV/2022. Những nhà đầu tư tích cực nhất là Touchstone Partners, Resolution Ventures và UOB.

Theo Tracxn, nguồn vốn rót vào startup Việt Nam liên tục tăng trong những năm qua và đạt kỷ lục trong quý IV/2021, nhưng kể từ đó bắt đầu xu hướng giảm khi thị trường suy thoái.

Các nhà đầu tư hiện đã thận trọng hơn, có xu hướng hỗ trợ các công ty hiện có trong danh mục thay vì đánh cược vào những gương mặt mới. Đồng thời, nhà đầu tư cũng xem xét nghiêm túc khả năng sinh lời của doanh nghiệp để thoái vốn.

Tuy nhiên, nhìn về triển vọng năm 2023, gần 100% nhà đầu tư được hỏi vẫn khẳng định ít nhất sẽ giữ mức độ rót vốn như hiện tại, theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2023 của Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Trong trung hạn, sức hẫn dẫn của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam còn rất lớn.

BTV (Tổng hợp)