Bài liên quan |
Lần đầu tiên sầu riêng Việt Nam bị EU đưa vào diện kiểm soát |
Sầu riêng Việt Nam đã thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường xuất khẩu |
Liên minh châu Âu (EU) vừa ban hành Quy định (EU) 2024/3153, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 nhằm tăng cường kiểm soát chính thức và áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ các nước thứ ba, bao gồm Việt Nam. Thông báo này đã được Ban Thư ký Ủy ban SPS/WTO gửi đến Văn phòng SPS Việt Nam vào ngày 19/12/2024, cùng với các chi tiết cụ thể về việc điều chỉnh tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam. Đây là một phần trong các quy định chung của EU, bao gồm cả Quy định (EU) 2017/625 và (EC) số 178/2002, nhằm tăng cường giám sát an toàn thực phẩm.
Một trong những thay đổi đáng chú ý là việc tăng tần suất kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với sầu riêng Việt Nam từ 10% lên 20% tại biên giới EU, dựa trên Điều 5 và Điều 6 của Quy định (EU) 2019/1793. Nguyên nhân xuất phát từ việc không tuân thủ mức giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL). Các hoạt chất như Carbendazim, Fipronil, Azoxystrobin, Dimethomorph, Metalaxyl, Lambda-cyhalothrin và Acetamiprid được phát hiện tồn dư cao trên sầu riêng, với mức vi phạm dao động từ 0,021 đến 6,3 mg/kg, trong khi quy định của EU chỉ cho phép từ 0,005 đến 0,1 mg/kg.
EU tạm tăng gấp đôi tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam tại biên giới |
Bên cạnh sầu riêng, EU cũng duy trì tần suất kiểm tra biên giới đối với một số nông sản khác của Việt Nam, bao gồm thanh long (30%), ớt (50%) và đậu bắp (50%). Các sản phẩm này khi nhập khẩu vào EU phải kèm theo kết quả phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Định kỳ, EU sẽ tiến hành đánh giá sáu tháng một lần nhằm xem xét mức độ tuân thủ của các nhà xuất khẩu và có thể điều chỉnh tần suất kiểm tra biên giới đối với từng sản phẩm. Trước đó, vào ngày 17/1/2024, EU đã ban hành Quy định (EU) 2024/286, yêu cầu tăng cường kiểm soát đối với một số mặt hàng từ Việt Nam. Theo đó, ớt chuông chịu tần suất kiểm tra 50%, mỳ ăn liền 20% và sầu riêng 10%. Đây cũng là lần đầu tiên sầu riêng Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra tại cửa khẩu với mức tần suất như trên.
Những quy định này không chỉ phản ánh yêu cầu khắt khe của EU đối với an toàn thực phẩm mà còn đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Việc cải thiện chất lượng sản phẩm, đặc biệt là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, là yếu tố sống còn để giữ vững thị phần tại một thị trường quan trọng như EU.
EU tuy không phải là thị trường quan trọng nhất của mặt hàng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng đây lại là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2023. Theo Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 11/2023, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt gần 2,2 tỉ USD, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ 2022. Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vào EU tăng mạnh nhất. Cụ thể, xuất khẩu sầu riêng tươi sang Cộng hòa Czech tăng hơn 28.000%, đứng thứ 4 trong số những nước nhập khẩu nhiều sầu riêng nhất của Việt Nam. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Pháp tăng 32%. |