Elon Musk công khai chỉ trích nền tảng WhatsApp của Mark Zuckerberg

16:55 10/05/2023

Mới đây, Tỷ phú Elon Musk đã chia sẻ ý kiến về việc WhatsApp phát hiện có một lỗ hổng bảo mật liên quan đến micrô, ông đã buộc tội công ty là không đáng tin cậy.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

WhatsApp là một ứng dụng nhắn tin phổ biến được sở hữu bởi Facebook, vừa được phát hiện có một lỗ hổng bảo mật cho phép ứng dụng tiếp tục truy cập micrô ngay cả khi người dùng đã đóng nó. Lỗi này đã được phát hiện bởi một số người dùng.

Lỗ hổng này dường như ảnh hưởng đến một số thiết bị Android khác nhau, bao gồm các mẫu Samsung và Pixel,... Tuy nhiên, WhatsApp đã cho biết rằng vấn đề không nằm ở chính ứng dụng mà nằm ở Android

WhatsApp đã phản hồi về vấn đề này trên tài khoản Twitter của mình, lưu ý rằng sự cố của này là một lỗi trên Android đã phân bổ sai thông tin trong Bảng điều khiển quyền riêng tư của họ và đã yêu cầu Google điều tra cũng như khắc phục.

Tuy nhiên, WhatsApp đã bị chỉ trích vì phản hồi chậm trễ về vấn đề này. Tỷ phú Elon Musk cũng đã chia sẻ ý kiến của mình về vấn đề này, buộc tội công ty là không đáng tin cậy.

Cụ thể, một kỹ sư là Foad Dabiri đã đăng tweet vào ngày 9.5 kèm hình ảnh dòng thời gian dường như để xác nhận cáo buộc của mình: "WhatsApp đã sử dụng microphone ở chế độ nền khi tôi đang ngủ và khi tôi thức dậy lúc 6 giờ sáng. Chuyện gì xảy ra vậy?”.

Chỉ dựa trên tweet này, Elon Musk ngay lập tức đưa ra lời cảnh giác với WhatsApp. "Không thể tin tưởng được WhatsApp", Elon Musk viết trên Twitter vào ngày 9.5.

Lời này từ Elon Musk gợi lại ký ức về vụ bê bối đã ảnh hưởng đến Meta Platforms những năm gần đây và và liên quan đến một điểm nhạy cảm: Lòng tin. Facebook đã cho phép Cambridge Analytica, công ty tư vấn, hợp tác với đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, thu thập dữ liệu cá nhân từ hàng chục triệu người dùng để lập hồ sơ cử tri.

"Trong 24 giờ qua, chúng tôi đã liên lạc với một kỹ sư Twitter, người đã đăng vấn đề với điện thoại Pixel và WhatsApp của anh ấy. Chúng tôi tin rằng đây là một lỗi trên Android khiến thông tin bị ghi sai trong Privacy Dashboard (bảng điều khiển quyền riêng tư) của họ và đã yêu cầu Google điều tra, khắc phục", WhatsApp phản hồi về vấn đề này trên Twitter.

WhatsApp nói thêm rằng: "Người dùng có toàn quyền kiểm soát cài đặt microphone của họ. Sau khi được cấp quyền, WhatsApp chỉ truy cập microphone khi người dùng đang thực hiện cuộc gọi hoặc ghi chú thoại hoặc video. Thậm chí sau đó, những thông tin liên lạc này được bảo vệ bởi mã hóa đầu cuối để WhatsApp không thể nghe thấy chúng".

Điều này không ngăn Elon Musk tiếp tục chiến dịch chống lại Meta Platforms.

Nhà đầu tư Gannon Breslin nhận xét về thông điệp của Elon Musk: “Thật đáng kinh ngạc khi có nhiều người không nhận ra rằng WhatsApp thuộc sở hữu của Meta/Facebook”.

Elon Musk đáp lại bằng lời châm biến: "Đúng vậy. Những người sáng lập WhatsApp đã rời bỏ Meta/Facebook trong sự ghê sợ. Hãy bắt đầu chiến dịch #deletefacebook (xóa bỏ Facebook)".

Ảnh minh họa
Elon Musk công khai chỉ trích WhatsApp là không đáng tin cậy.

Elon Musk và Mark Zuckerberg không phải là bạn bè. Họ không che giấu điều đó và từng đôi lần đấu khẩu.

Giám đốc điều hành Tesla đã từng đặt cho Mark Zuckerberg biệt danh "Zuck XIV" như muốn nhắc đến Vua Louis XIV của Pháp, nổi tiếng với tính kiêu ngạo và thái quá.

Không chỉ trực tiếp công kích Mark Zuckerberg, Elon Musk còn chỉ trích Instagram, một trong những sản phẩm xuất sắc của Meta Platforms.

Vài tháng sau, Mark Zuckerberg gián tiếp đáp trả Elon Musk bằng cách nói rằng "những người bình thường" sẽ không muốn những chip não do Neuralink phát triển nằm trong đầu họ. Neuralink là công ty mà Elon Musk đồng sáng lập.

Được thành lập vào năm 2009, WhatsApp đã sử dụng tính năng nhắn tin được mã hóa, vốn nổi tiếng là ứng dụng tôn trọng quyền riêng tư, trước khi được Facebook mua lại với giá 19 tỉ USD vào năm 2014.