Đưa công nhân quay lại phân xưởng, chuyện không chỉ của doanh nghiệp
- 5
- Vấn đề
- 19:25 08/10/2021
DNHN - Nhiều tỉnh thành phía Nam đang từng bước mở cửa kinh tế sau một thời gian dài “đóng băng” vì giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp, nhà máy đã lên kế hoạch khôi phục sản xuất nhưng lại đối mặt với tình trạng thiếu hụt công nhân do một số lượng lớn người lao động đã đi về quê nhà trước đó. Để kêu gọi công nhân trở lại nhà máy, nỗ lực của doanh nghiệp thôi là chưa đủ, họ còn cần có sự chung tay của chính quyền địa phương.

Công nhân làm việc trong một nhà máy tại Đồng Nai. Ảnh minh họa: TTXVN
Doanh nghiệp xoay xở để có công nhân khi mở cửa nhà máy
Những ngày vừa qua, ngay khi TPHCM nới lỏng và không còn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, những đoàn người lao động gốc gác miền Tây và các tỉnh phía Bắc làm việc ở đây đã ùn ùn trở về quê bằng xe máy. Trước đó, nhiều tỉnh thành tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tổ chức đón công nhân từng làm việc ở Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai… về quê nhà theo nguyện vọng của người lao động.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, tỉnh này có khoảng 1 triệu người lao động, trong đó hơn 174.000 người làm việc tại nhiều tỉnh, thành phố phía Nam. Hiện Đồng Tháp đang triển khai đưa hàng ngàn người lao động tại Bình Dương và TPHCM về quê.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, cho hay, đã có nhiều người lao động tại địa phương này đi về quê, nếu tính thêm những người đang có nguyện vọng tiếp tục hồi hương, sắp tới đây các nhà máy trên địa bàn có thể chỉ còn khoảng 50% lượng công nhân cơ hữu.
Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai, một doanh nghiệp có nhà máy sản xuất các thiết bị điện tại tỉnh Bình Dương, chia sẻ rằng khi địa phương thực hiện giãn cách xã hội, công ty này vẫn cố gắng duy trì việc giữ chân người lao động. Theo đó, công nhân không tham gia hoạt động sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” tại nhà máy vẫn được doanh nghiệp trả lương cơ bản khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Do đó, ngay sau khi Bình Dương mở cửa các hoạt động kinh tế trở lại, ông Trọng cho biết, doanh nghiệp gặp nhiều sự thuận lợi khi kêu gọi các nhân viên quay lại làm việc. Dây chuyền sản xuất hiện tại của công ty Sáng Ban Mai đang tái khởi động lại và hoạt động hết công suất, xử lý khoảng 50% đơn hàng đang tồn đọng lại để kịp giao cho các đối tác. Bên cạnh đó, công ty cũng đang tuyển dụng thêm khoảng 30% quy mô nhân sự để gia tăng năng lực sản xuất.
Ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, cho biết, tỉnh cũng đối mặt với thực trạng công nhân rời đi để về quê sau thời gian dài dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An đã gợi ý để các doanh nghiệp đặt chỗ, thậm chí ứng lương trước để công nhân có thể làm việc ngay trong tháng 10. Song công nhân vẫn nhất quyết về quê một thời gian rồi sẽ quay lại làm việc.
Ông Thanh cho rằng, đây là dịp các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện chính sách cho công nhân. Doanh nghiệp nào có chính sách tốt thì người lao động sẽ quan tâm. Ông cho biết, ở Long An có Công ty TNHH Chingluh với hơn 35.000 công nhân. Trong 3 tháng phải ngừng sản xuất, họ vẫn chấp nhận chi khoảng 270 tỉ đồng/tháng cho việc trả lương để giữ chân công nhân. Với chính sách như vậy thì người lao động sẽ hưởng ứng khi doanh nghiệp kêu gọi họ trở lại làm việc.
Với những doanh nghiệp không có tiềm lực về tài chính để trả lương cơ bản khi không sản xuất như các trường hợp nêu trên, vẫn có những phương thức riêng để thu hút công nhân trở lại làm việc. Ngoài việc trả lương như thông thường, doanh nghiệp có thể thưởng thêm một vài tháng lương cho người lao động gắn bó với công ty, giúp họ có một khoản chi phí trang trải cho cuộc sống sau giai đoạn khó khăn do dịch bệnh bùng phát. Các chuyên gia nhân sự cho rằng, các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng. Mặc dù doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền trong dại dịch, nhưng những thiệt hại khi phải ngưng trệ sản xuất, trễ đơn hàng sẽ vẫn nặng nề hơn một khoản chi phí để hỗ trợ, thu hút người lao động trở lại sản xuất.
Thực tế cho thấy, trong tháng Sáu vừa qua, các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang cũng đã có một thời gian phải dừng hoạt động vì bùng phát số ca lây nhiễm Covid-19. Để nối lại sản xuất, thu hút người lao động quay trở lại làm việc, không ít nhà máy tại đây đã đưa ra các chính sách khuyến khích như tăng lương dài hạn hoặc một thời gian ngắn trong dịch cho người lao động, cung cấp cho người lao động bữa ăn miễn phí khi ở lại nhà máy để duy trì sản xuất…
Theo ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bên cạnh ưu tiên hàng đầu vẫn là thực hiện tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ cho công nhân thì các doanh nghiệp cần quan tâm đến chính sách tiền lương. Bởi tâm lý của người lao động sau khi về quê sẽ có sự so sánh về thu chi. Nhiều người chọn phương án ở lại quê nhà mặc dù thu nhập có thể giảm đi nhưng bù lại chi phí không đắt đỏ, được gần gũi gia đình. Vì vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm về tiền lương, phúc lợi, để người lao động thấy thu nhập cao hơn, cuộc sống tốt hơn khi làm việc tại các tỉnh thành lớn.
Không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt là thu hút lao động quay trở lại sản xuất, có không ít ý kiến cho rằng để giữ chân lao động dài hạn, các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc xây dựng các khu nhà và có chính sách bán trả góp cho công nhân.
Công ty PouYuen tại TPHCM, đơn vị chuyên gia công giày cho loạt thương hiệu giày nổi tiếng như Adidas, Nike… trong giai đoạn sản xuất vào thời điểm trước khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát. Ảnh: TTXVN
Địa phương cũng cần nỗ lực thu hút lao động quay trở lại
Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM, cho rằng, để doanh nghiệp chủ động kế hoạch phục hồi sản xuất, địa phương cần tiếp tục phủ rộng tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân để họ yên tâm trở lại nhà máy. Cụ thể, cần đẩy nhanh việc tiêm mũi 2 cho hơn 100.000 công nhân tại các khu chế xuất và khu công nghiệp tại TPHCM.
Ngoài ra, ông Long cho rằng, công nhân làm việc trong các nhà máy tại TPHCM đa phần là từ các tỉnh miền Tây nên họ chưa thể tự thân di chuyển vào thành phố để đến nhà máy làm việc. Do đó, cần có sự liên kết thống nhất, liên thông giữa các địa phương phía Nam để tạo sự thuận tiện trong việc dịch chuyển đi lại làm việc. Bởi nếu tỉnh này mở, tỉnh kia đóng thì cũng không tạo ra sức mạnh liên kết nội vùng và liên vùng.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai vào ngày 4-10 vừa qua, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo cơ quan chức năng ban hành ngay văn bản mới quy định kiểm soát việc đi lại của công nhân, người lao động và chuyên gia.
Theo đó, Đồng Nai sẽ cho phép công nhân được đi lại bằng xe cá nhân từ nơi ở đến doanh nghiệp mà không cần giấy đi đường như trước đây. Khi lưu thông, công nhân chỉ cần đeo thẻ ra vào do doanh nghiệp cấp.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai tham mưu cho UBND tỉnh để tạo kết nối giao thông giữa tỉnh Đồng Nai với các tỉnh lân cận, đặc biệt là với TPHCM.
Do nhận thấy phương án cho công nhân ăn ở làm việc tại nhà máy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của công nhân và gây tốn kém cho doanh nghiệp, ngày 3-10, vừa qua Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã chấp thuận cho nhiều doanh nghiệp không thực hiện phương án “3 tại chỗ”, cho người lao động đi về hằng ngày với tổng số lao động đăng ký hơn 17.500 người. Ngoài ra, có 21 doanh nghiệp “3 tại chỗ” bổ sung phương án cho người lao động đi về hằng ngày với gần 1.500 người. Theo phương án từng bước phục hồi kinh tế – xã hội do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành, công nhân “vùng xanh” đã tiêm 1 mũi vaccine (sau 14 ngày) được quay trở lại sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ” hoặc đi về hằng ngày.
Tại tỉnh Bình Dương, nhận thấy các quy định khiến người lao động mệt mỏi như yêu cầu các nhà máy phải xét nghiệm thường xuyên định kỳ cho công nhân hay phải ở lại nhà máy…, từ ngày 1-10, UBND tỉnh quy định người lao động chỉ cần tiêm ít nhất 1 mũi vaccine sau 14 ngày, hoặc với F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, sẽ được di chuyển tới nhà máy để làm việc. Khi phát hiện có ca F0 trong nhà máy, quy định mới sẽ chỉ cách ly, phong tỏa phạm vi hẹp tại dây chuyền nơi có F0, thay vì phong tỏa cả nhà máy như trước đây.
Ngày 3-10 vừa qua, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành chỉ thị về việc phục hồi sản xuất, trong đó yêu cầu các tỉnh thành thành lập ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, thông qua phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tiêm vaccine cho người lao động, xem xét quyết định cho mở lại một số dịch vụ cần thiết phục vụ đời sống người lao động. Bên cạnh đó cần thống nhất phương án di chuyển của người lao động, tạo thuận lợi khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh…
Theo phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội, do dịch Covid-19, nhiều chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, phải hủy nhiều đơn hàng sản xuất trong nước, thiếu hụt lao động. Do đó, Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh thành để thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động để vừa khôi phục sản xuất vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Vân Ly/thesaigontimes.vn
Bài liên quan
#chính quyền địa phương

Đề xuất vị trí công tác ngành TT&TT phải định kỳ chuyển đổi
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực TT&TT tại chính quyền địa phương.
Đọc thêm Vấn đề
Thanh Hóa chỉ đạo khắc phục tình trạng dự án “treo”
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Công văn số 4358/VPCP-CN ngày 13/7/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc khắc phục tình trạng quy hoạch “treo” và dự án “treo”, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Văn bản số yêu cầu các đơn vị có liên quan khắc phục tình trạng trên.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình cho ý kiến những nội dung quan trọng phát triển KT-XH của tỉnh
Chiều 11/8, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị BTV Tỉnh ủy cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng về phát triển KT-XH của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Lương Sơn
Ông Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình vừa có buổi làm việc với BTV Huyện ủy Lương Sơn về tình hình chính trị, phát triển KT-XH 8 tháng đầu năm và công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện. Tham gia buổi làm việc có lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh.
Ứng phó với lạm phát
Cả thế giới quay cuồng trong cơn bão lạm phát cùng với đó là tiếng chuông cảnh báo nguy cơ suy thoái đang ngày một hiện hữu.
Thủ tướng chỉ đạo xem xét quản lý về thu phí không dừng và vận tải bằng xe buýt
Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xem xét, chỉ đạo đối với các kiến nghị của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Dragon Capital: Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều áp lực
Theo Dragon Capital, rủi ro lớn nhất chính là sự kéo dài về tình trạng giá nhiên liệu, hàng hóa thế giới ở mức cao có thể tiêu tốn nguồn lực mà Việt Nam đã tích lũy được trong các năm qua.
Long An: Cấp chủ trương đầu tư cho KCN mở rộng một ngày, nếu doanh nghiệp đủ uy tín
Tại Diễn đàn khu công nghiệp (KCN) Việt Nam do Tạp chí Nhà Đầu Tư tổ chức sáng ngày 11/8, ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban quản lý KCN tỉnh Long An cho biết, theo quy định của Nghị định 35, việc cấp chủ trương đầu tư cho KCN mở rộng mất 60 ngày. Ở Long An, việc này mất một ngày, nếu doanh nghiệp đủ uy tín. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này đều mất trên một năm, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Hà Nội tiến hành rà soát, xử lý 700 dự án "treo"
Trên địa bàn Thủ đô có hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, với tổng diện tích đất trên 5.000 ha gây lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trực tiếp làm việc với các ngành chức năng và chỉ đạo đến hết tháng 10/2022 có những phương án xử lý cụ thể của từng dự án để tổng hợp báo cáo HĐND thành phố.
Vĩnh Phúc: Cầu 600 tỷ bắc qua Đầm Vạc - Vĩnh Yên có thể hoạt động dịp Quốc khánh
Sau nhiều tháng "lỡ hẹn", vào dịp quốc khánh 2/9 năm nay người dân Vĩnh Yên có thể bắt đầu di chuyển qua cây cầu Đầm Vạc, trị giá hơn 600 tỷ đồng vay từ quỹ OPEC.
Hết năm 2022, Đắk Lắk dự kiến thu hút khoảng 20 dự án với tổng vốn đầu tư 22.000 tỷ đồng
Ngày 11/8, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án; tổng số vốn đầu tư là 9.985 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm, tỉnh Đắk Lắk sẽ thu hút khoảng 20 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22.000 tỷ đồng.