Cụ thể, về trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, dự thảo quy định rõ các vấn đề như: tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu và trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo các phương thức kiểm tra.
Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ thủ tục về an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu (ảnh: Minh họa).
Về tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu và trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước: tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tự công bố sản phẩm đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm theo quy định trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân.
Cổng thông tin một cửa quốc gia tự động cấp Thông báo tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm (kèm mã số tự công bố sản phẩm).
Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và đăng tải bản công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân.
Cổng thông tin một cửa quốc gia tự động cấp Thông báo tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (kèm mã số đăng ký bản công bố sản phẩm).
Hàng hóa đã được cấp mã số đăng ký bản công bố sản phẩm thì các lần nhập khẩu hàng hóa giống hệt tiếp theo, các tổ chức, cá nhân khai mã số đăng ký bản công bố sản phẩm trên tờ khai hải quan khi làm thủ tục hải quan để được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm.
Trường hợp cơ quan kiểm tra có thông tin hàng hóa nhập khẩu vi phạm về an toàn thực phẩm thì thông báo cho cơ quan Hải quan để tạm dừng thực hiện thủ tục hải quan đồng thời đề nghị cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng do các bộ, quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định để kiểm nghiệm lại. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng để lấy mẫu hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra.
Trình tự áp dụng ba phương thức kiểm tra
Đối với trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo các phương thức kiểm tra, dự thảo Nghị định quy định rõ từng phương thức kiểm tra.
Đối với phương thức kiểm tra chặt là việc kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu phân tích, kiểm nghiệm áp dụng đối với hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau: hàng hóa không đạt yêu cầu nhập khẩu tại lần kiểm tra trước đó; hàng hóa có cảnh báo, có yêu cầu đặc biệt của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất; hàng hóa thuộc diện kiểm tra ngẫu nhiên không quá 5% để đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp; hàng hóa có rủi ro cao, dấu hiệu vi phạm.
Đối với phương thức kiểm tra thông thường là việc kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm, áp dụng đối với hàng hóa giống hệt đã có 3 lần nhập khẩu liên tiếp đạt yêu cầu theo phương thức kiểm tra chặt trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện kiểm tra chặt và kiểm tra giảm.
Với phương thức kiểm tra giảm là việc kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên không quá 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu, áp dụng đối với hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau: hàng hóa giống hệt đã có 3 lần nhập khẩu liên tiếp đạt yêu cầu theo phương thức kiểm tra thông thường.
Hàng hóa đã được xác nhận đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước đã ký kết Điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm mà Việt Nam là thành viên; có kết quả kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu đối với lô hàng, mặt hàng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam;
Hàng hóa được sản xuất trong các cơ sở áp dụng một trong các hệ thống quản lý chất lượng GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương.
PV (t/h)