Du lịch nông nghiệp: Mỏ vàng chưa khai phá

15:26 02/12/2020

Ở Việt Nam, du lịch nông nghiệp (DLNN) đang dần trở thành một xu hướng mới, một “món ăn lạ” bên cạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao biển, du lịch văn hóa tâm linh, khám phá...

DLNN là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo các chuyên gia, cần có bốn thành tố để được gọi là “du lịch nông nghiệp”, đó là: Kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; tăng thu nhập cho nông dân; tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông. Việc phát triển loại hình DLNN có tác dụng giúp đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch hỗn hợp cho du khách, gia tăng luồng du khách đến các vùng nông thôn; kéo dài mùa vụ du lịch trong những thời gian thấp điểm của Ngành. Tham gia hình thức du lịch này, du khách được trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, thưởng thức vẻ đẹp cảnh quan nhân văn do hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra.

Tại báo cáo thực trạng và tiềm năng phát triển kinh tế trang trại, HTX gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn của Bộ NNPTNT đưa ra con số, tính đến hết năm 2019, cả nước có 34.348 trang trại nông nghiệp; và dự kiến đến 31/12/2020 cả nước có 17.462 HTX nông nghiệp và 68 liên hiệp HTX nông nghiệp.

Mặc dù số lượng trang trại nông nghiệp và HTX nông nghiệp không ngừng tăng theo từng năm, tuy nhiên, Bộ NNPTNT cũng đưa ra con số đáng buồn là chỉ có từ 3 - 5% tổng số trang trại nông nghiệp của từng địa phương ngoài sản xuất nông nghiệp có kết hợp thêm các hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn và đa số các trang trại loại này không có hoạt động lưu trú khách du lịch qua đêm.

 

Trên thế giới loại hình này phát triển mạnh vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Ở mỗi quốc gia, DLNN lại có những tên gọi khác nhau. Cụ thể: ở Anh là “Rural-tourism” - du lịch nông thôn, Mỹ là “Homestead” - du lịch trang trại, Nhật Bản là “Green-tourism” - du lịch xanh, còn ở Pháp là “Tourism de verdure” - du lịch với cỏ cây… Bên cạnh tên gọi, sự hình thành và phát triển của DLNN ở mỗi quốc gia cũng có sự đa dạng và cách thức triển khai khác nhau đáng kể. Theo đó, ở Israel, DLNN là hình thức giáo dục bắt buộc từ sớm cho trẻ em. Tại Mỹ, hàng năm thường tổ chức nhiều sự kiện lớn về DLNN. Hiện nay, theo thống kê mỗi năm, người Mỹ chi khoảng hơn 800 triệu USD cho các hoạt động du lịch nông trại. Con số này được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng khi diện tích dành cho nông nghiệp ngày càng ít đi. Những mô hình nông trại ở Mỹ đã thực sự khẳng định tính hiệu quả trong phát triển DLNN, và người nông dân hoàn toàn có thể chủ động tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình, bằng cách đưa du lịch về với các nông trại.

Tại Áo, DLNN được tổ chức một cách rất chuyên nghiệp dù lượng người làm nghề nông ở quốc gia này chỉ chiếm 3% dân số. Ở Hàn Quốc, các tour DLNN đã được triển khai từ năm 2006 và được xem như một trong những chiến lược phát triển nông nghiệp chủ yếu nhằm giúp người nông dân bù đắp sự giảm sút thu nhập từ nông nghiệp, đồng thời mang lại cho nông nghiệp Hàn Quốc những chức năng mới được tạo ra bởi những nhu cầu phát sinh từ mối gắn kết nông thôn - thành thị.
Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã triển khai thực hiện mô hình DLNN từ những năm 80. Đến đầu những năm 2000, Chính phủ Đài Loan đã quyết định quy hoạch hơn 30 khu vực để phát triển DLNN với mục tiêu phát triển thành một ngành kinh tế mới, tạo ra thu nhập tốt cho người nông dân, bảo vệ tính đa dạng của nền kinh tế và lý do quan trọng nhất là nhằm bảo vệ nền nông nghiệp có lịch sử hàng trăm năm của Đài Loan. Các khu vực DLNN được xây dựng dựa trên nền tảng cụm kinh tế và các trang trại du lịch tư nhân đã tạo nên làn sóng DLNN ở Đài Loan…
Theo Hiệp hội phát triển du lịch Đài Loan, chủ thể của loại hình DLNN là chăn nuôi, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với các nội dung giáo dục về nông nghiệp, thực phẩm. Các chủ thể này phải trải qua quá trình 6 cấp của doanh nghiệp, kết hợp đa lĩnh vực giải trí, du lịch và ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện khả năng cạnh tranh. Hiện nay, Đài Loan đã có hơn 300 trang trại nghỉ dưỡng trên khắp cả vùng. Với những cách làm hiệu quả và phù hợp, mô hình DLNN ở Đài Loan đã mang lại thành công ngoài mong đợi của những người kiến tạo ra nó. Đài Loan đã không chỉ bảo tồn được ngành nông nghiệp của họ, mà còn chặn đứng được sự đô thị hóa do quá trình công nghiệp hóa xâm lấn xuống các vùng nông thôn, các cảnh đẹp thiên nhiên được bảo tồn, sự đa dạng sinh học không bị phá hủy. Sản phẩm nông nghiệp du lịch của Đài Loan hiện đã theo chân du khách đi khắp thế giới, tạo ra thu nhập không nhỏ cho cộng đồng cư dân địa phương…
Tại Quảng Tây (Trung Quốc), từ năm 2007, chính quyền địa phương đã xây dựng hơn 15 tuyến DLNN đặc sắc với 251 vườn du lịch sinh thái nông nghiệp có tác dụng làm tăng thu nhập của người dân bản địa và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), đã xây dựng 133 các khu vườn DLNN, tạo việc làm cho 14,5 nghìn người, doanh thu hàng năm lên tới 132 triệu nhân dân tệ…

Du lịch nông nghiệp- mỏ vàng chưa khai phá.

 Tại Việt Nam có thể kể đến các sản phẩm DLNN điển hình như: Tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); tham quan đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); làng rau Trà Quế (Quảng Nam); du lịch trải nghiệm vườn rau thủy canh, đồi chè, hoa công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng); du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn; trải nghiệm vườn điều ở Bình Phước, Đồng Nai; trái cây nhà vườn tại Bình Dương, du lịch làng nghề ở An Giang; tour tham quan, nghỉ dưỡng tại các vườn nho, vườn táo, trang trại dê, cừu tại tỉnh Ninh Thuận và nhiều điểm du lịch gắn với nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh, như: Điểm du lịch làng quê Yên Đức (Thị xã Đông Triều); làng nghề gốm sứ Đông Triều; khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ, cánh đồng rau, hoa chất lượng cao xã Lê Lợi (huyện Hoành Bồ); nuôi cấy ngọc trai tại vụng Tùng Sâu (Vịnh Hạ Long); khu đồi trà hoa vàng, ba kích tím ở huyện Ba Chẽ…

Hà Giang là địa phương có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Trong thời gian qua tỉnh này đã và đang khai thác nhiều loại hình du lịch như: Du lịch địa chất, cộng đồng, sinh thái, hang động, tâm linh, du lịch gắn với nông nghiệp và dược liệu... Trong đó, phát triển du lịch nông nghiệp được xác định là một trong những hướng đi mới của Hà Giang. Phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng trong thời gian qua đã được tỉnh quan tâm và đưa vào nghị quyết chuyên đề tại Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiện nay, sản phẩm du lịch nông nghiệp, làng nghề chủ yếu khai thác dưới mô hình du lịch cộng đồng phục vụ khách du lịch muốn tìm hiểu tham quan, khám phá, trải nghiệm.

Điển hình như tour tham quan mùa lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, ngắm mùa hoa tam giác mạch, hoa đào, mận, lê là một trong những sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu của Hà Giang và được tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, nét sinh hoạt của các gia đình người dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Pà Thẻn...

Tỉnh Hòa Bình cũng được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu hút đầu tư được 290 cơ sở homestay, trong đó có 20 cơ sở homestay có sản phẩm OCOP từ 2-3 sao.

Từ những kết quả bước đầu và những khó khăn, hạn chế, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, để nâng tầm DLNN thì còn rất nhiều việc phải làm. Theo đó, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần có sự quan tâm hơn nữa đối với lĩnh vực này thông qua các cơ chế, chính sách, như: Xây dựng chương trình phát triển DLNN gắn với xây dựng nền nông nghiệp bền vững; xây dựng DLNN gắn với xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư cho kết cấu hạ tầng phục vụ DLNN như đường, điện, nước sạch; hoàn chỉnh chính sách tín dụng, chính sách đất đai, thu hút đầu tư, chính sách thuế ưu đãi, ban hành bộ tiêu chí về DLNN; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu... nhằm khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của nền nông nghiệp nước nhà vào ngành “công nghiệp không khói”, góp phần nâng cao chất lượng du lịch và cải thiện đời sống nông dân.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc, ổn định và lâu dài và sự đồng bộ về mọi mặt, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật du lịch. Thời gian tới để tăng khả năng thu hút và phục vụ khách du lịch đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội từ hoạt động du lịch, việc đổi mới xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch có tính trải nghiệm và chất lượng cao là hết sức quan trọng.

Đức Anh