Đủ kiểu mua sắm mùa dịch để đảm bảo an toàn

16:34 03/08/2021

Trước nhu cầu nhu yếu phẩm hằng ngày, cùng mục tiêu thực hiện đúng thông điệp 5K, không tụ tập đông người, người dân TPHCM đã có muôn kiểu mua sắm vào mùa dịch.

Chọn khung giờ “nắng chói chang” để đi siêu thị

Đây được xem là cách hữu hiệu để phòng dịch COVID-19 vì không phải tiếp xúc nhiều người, tránh nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Bởi như thói quen trước khi dịch bùng phát, nhiều người thường chọn 2 ngày cuối tuần để đi siêu thị mua sắm. Vì đây là thời gian rãnh rỗi, và siêu thị cũng thường xuyên có chương trình khuyến mãi để kích cầu mua sắm. 

Nhiều người đã chủ động thay đổi khung giờ mua sắm để tránh tập trung đông người
Nhiều người đã chủ động thay đổi khung giờ mua sắm để tránh tập trung đông người. (Ảnh: Internet)

Nhưng sau đại dịch bùng phát, đặc biệt là sau thực hiện Chỉ thị 16, nhiều người đã chủ động thay đổi khung giờ mua sắm để hạn chế tập trung đông người là chọn ngày thứ đầu tuần và các khung giờ “nắng chói chang”.

Chị Thanh (ngụ TP Thủ Đức) chia sẻ “Trước kia cả gia đình thường đi siêu thị vào thứ 7, chủ nhật. Nhưng từ sau dịch bùng phát, cụ thể là sau 30/04-01/05, chúng tôi hạn chế đi cả gia đình, chỉ đến mua nhanh rồi về chứ không dạo lâu như ngày trước. Tôi cũng thay đổi giờ đi siêu thị để tránh đông người”.

Một nhân viên tại của hàng Bách hóa xanh trên quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức) cho biết cửa hàng đang triển khai quy trình “2 không” (không trống quầy, không trống kệ) nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa cho người dân. Hàng hóa dồi dào, đa dạng nên người dân đi khung giờ nào cũng còn hàng tươi ngon.

Chị Nguyễn Thị Dung (27 tuổi, ngụ trên đường Kha Vạn Cân, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức) cho biết vì được làm việc tại nhà nên mới có thể đi siêu thị vào ngày thứ. Buổi sáng, chị tranh thủ xử lý hết công việc để giữa trưa đi siêu thị cho bớt đông. Theo chị, dù mặt hàng vào giờ trưa không còn quá đa dạng nhưng vẫn an tâm khi không phải xếp hàng dài.

“Đi chợ giùm”

Ghi nhận tại siêu thị Co.opXtra Linh Trung (TP.Thủ Đức) vào giữa trưa, chỉ có một vài khách hàng đi mua sắm, một số khác là nhân viên “đi chợ giùm” người dân. Tại các quầy thanh toán, người dân chờ khoảng 10 – 15 phút là tới lượt. 

Ngồi nhà vẫn có thể “đi chợ”
Ngồi nhà vẫn có thể “đi chợ”. (Ảnh: Internet)

Ở thời đại công nghệ 4.0, chỉ cần liệt kê danh sách cần mua gửi đến hệ thống cửa hàng, siêu thị thì nhân viên sẽ “gom hàng”, xuất bill, sau đó nhân viên giao hàng sẽ giao đến tận nơi. Người mua hàng có thể chọn hình thức chuyển khoản hoặc gửi tiền khi nhận hàng.

Chị Ngọc (ngụ quận 8) chia sẻ “Mặc dù có siêu thị gần nhà nhưng tôi vẫn chọn hình thức mua sắm trực tuyến và giúp nhau mua sắm. Không phải riêng tôi mà đa số những người nội trợ ở TP Hồ Chí Minh rất ngại phải đi mua sắm ở siêu thị, nhất là các khu chợ trong những ngày cách ly xã hội”.

Không chỉ bán hàng trực tuyến, đi chợ giúp dân, mà người dân ở các khu dân cư ở TPHCM cũng có nhiều cách mua sắm sáng tạo để bảo đảm an toàn trong những ngày dịch. Tại Chung cư TDH Riverview, các cư dân đã thành lập một nhóm “Chợ dân cư”. Nhóm này có những quy định riêng như: Hàng phải có nguồn gốc, chất lượng tốt, rau-củ-quả và thực phẩm phải tươi sống, giá cả phải chăng, đã đặt mua là phải lấy… Chị Nguyễn Thị Nga, một thành viên trong nhóm cho biết: “Vào buổi chiều hôm trước, ai có nhu cầu mua sắm mặt hàng gì thì gửi lên zalo cho nhóm, ai có mặt hàng hoặc nguồn hàng thiết yếu gì cũng đăng lên để mọi người biết. Thông qua đó, hơn 200 thành viên của nhóm sẽ chia sẻ thông tin và hàng hóa cho nhau. Chỉ cần ngồi ở nhà hàng sẽ mang đến tận nơi, hoặc cùng lắm là xuống sảnh để lấy mà không cần phải ra đường”.

Diệu Hồng