14 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản trong lĩnh vực cung ứng máy móc thiết bị đang có mặt ở Tp.HCM với sự giúp sức của Trung tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ Tokyo (Tokyo SME Support Center) để tìm kiếm các đối tác nhập khẩu (NK) nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm của họ tại thị trường Việt Nam.
Nhu cầu lớn từ ngành sản xuất
Theo chia sẻ của bà Y.Hokkirigawa, phụ trách xúc tiến kinh doanh quốc tế Tokyo SME Support Center, đang có sự gia tăng các nhà máy sản xuất tại Việt Nam và đó là một trong những lý do mà các DN Nhật thuộc dạng nhỏ và vừa nhắm đến để cung cấp máy móc thiết bị của mình.
Mặc dù vậy, bà Y.Hokkirigawa cho biết do thị trường máy móc Việt Nam có nhiều đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc, Hàn Quốc nên các nhà cung cấp máy móc thuộc dạng nhỏ và vừa của Nhật còn phải thăm dò thị trường để biết được các DN sẽ cần những sản phẩm gì, chất lượng như thế nào.
Hoạt động NK máy móc thiết bị ở Việt Nam hiện nay được đánh giá là khá sôi động. Số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2019, giá trị NK máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đã lên tới hơn 26,8 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Máy móc thiết bị được NK chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trong 8 tháng đầu năm, NK máy móc từ Trung Quốc đạt 9,38 tỷ USD, tăng đến 27,8% so cùng kỳ năm ngoái.
Ông Vũ Trọng Tài, Tổng giám đốc công ty Reed Tradex Vietnam, cho rằng thị trường tiêu thụ máy móc thiết bị tại Việt Nam có thể tăng trưởng 12 – 14% trong năm nay.
Thị trường tiêu thụ máy móc được cho là hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung kéo dài đang định vị lại chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều công ty đang di chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam, là dấu hiệu khả quan cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất.
“Với nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã tham gia giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của ASEAN để các nhà đầu tư khi rút khỏi Trung Quốc sẽ nhắm đến Việt Nam như là một địa điểm hàng đầu”, ông Tài chia sẻ.
Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cũng cho thấy hoạt động đầu tư 9 tháng qua tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 18,09 tỷ USD, chiếm 69,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Sự gia tăng các nhà máy sản xuất tạo nhu cầu lớn về máy móc thiết bị |
Bỏ lỡ cơ hội chín muồi?
Mặt khác, do những đòi hỏi về chuyển đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tăng năng suất lao động và xu hướng áp dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo, tự động hoá…, nên các DN sẽ tiếp tục nâng cao việc đầu tư máy móc.
Xu hướng mua sắm máy móc thiết bị của các nhà sản xuất tại Việt Nam không chỉ đòi hỏi về chất lượng sản phẩm mà còn về giải pháp. Các DN chú ý hơn đến những sản phẩm máy móc thiết bị được tinh gọn nhưng vẫn giữ đúng tinh thần và chất lượng của DN. Đồng thời, DN cũng cần những công nghệ mới để tạo ra sản phẩm mới có thể thu hút khách hàng nhằm mang lại lợi nhuận cao hơn.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề Triển lãm quốc tế hàng đầu Việt Nam về Máy công cụ & Giải pháp gia công kim loại (Metalex Vietnam 2019) tổ chức ở Tp.HCM ngày 10/10, ông Vũ Trọng Tài dự báo thị trường tiêu thụ máy móc thiết bị ở Việt Nam trong 5 năm tới sẽ tiếp tục tăng trưởng đồng bộ như hiện nay và có thể đạt mức 12 – 17%.
Tuy nhiên, nhu cầu về máy móc tự động hóa đang tăng cao và tiêu chuẩn sản xuất ngày càng được nâng cao hơn. Điều này mang đến không ít khó khăn cho các nhà sản xuất Việt Nam, đặt ra bài toán làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp chính thức của các tập đoàn toàn cầu, đòi hỏi họ phải luôn cập nhật những công nghệ và giải pháp mới nhất để không bỏ lỡ cơ hội đang chín muồi.
Để giải bài toán trên, các nhà sản xuất cơ khí, chế tạo máy móc của Việt Nam cần tiếp thu những công nghệ và hiểu biết mới nhất về gia công cơ khí. Đồng thời, các DN Việt phải nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm để cạnh tranh tốt hơn ngay trên sân nhà.
Ngoài ra, với một thị trường máy móc có dư địa lớn, các DN cơ khí trong nước cũng cần liên kết quy mô để cung cấp theo yêu cầu của các hãng toàn cầu. Điều này đòi các DN Việt cần làm rất nhiều việc cùng một lúc để có thể tham gia sâu hơn vào thị trường tiêu thụ máy móc.
Đáng chú ý, động lực phát triển của ngành này không chỉ ở công nghệ, mà còn ở mạng lưới kinh doanh, kênh phân phối và tham gia chuỗi cung ứng là điều mà các nhà cơ khí nội địa vẫn còn nhiều hạn chế.
Thế Vinh