Dự báo CPI năm 2022 từ 3,3 - 4%

15:45 05/07/2022

Sáng 5/7, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình cho rằng, lạm phát năm 2022 vẫn sẽ trong tầm kiểm soát, dưới mục tiêu đề ra là 4%.

PGS, TS. Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho biết CPI bình quân 6 tháng tăng 2,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 6/2022 tăng 3,18 so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với tháng 6/2021.

Ảnh minh họa
PGS, TS. Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính phát biểu tại Hội thảo

Lạm phát cơ bản tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,98% so với tháng 7/2021. Bình quân 6 tháng, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (2,44%) phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu.

Nhận định về lạm phát 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Bá Minh cho rằng, CPI tăng chủ yếu do giá xăng dầu tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm; giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm.

Một nguyên nhân tác động tới CPI tăng 6 tháng đầu năm đó là giá vật liệu bảo dưỡng nhà tăng đến gần 8% so với cùng kỳ năm trước và do giá xi măng, sắt thép, cát… tăng theo giá nhiên nguyên vật liệu đầu vào, đã làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Đưa ra dự báo lạm phát cuối năm, theo ông Nguyễn Bá Minh, CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 3,3% - 3,9%. Nguyên nhân góp phần kiềm chế lạm phát đến từ nhiều yếu tố. Trong đó, tình hình dịch bệnh (Covid-19, đậu mùa khỉ…) trên thế giới còn diễn biến phức tạp, tương lai của xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine rất khó đoán định, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó giữ ở mức cao nhất những tháng vừa qua.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua phát triển khá tốt với nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung - cầu nông sản (thịt lợn, lúa gạo, rau quả…) ở Việt Nam những tháng cuối năm 2022 sẽ không căng thẳng, giúp cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến…

Một nguyên nhân “kìm” đà tăng của lạm phát đó là cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra…

Theo TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, với mức lạm phát hiện nay, dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn.

TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, trong trường hợp lạm phát trung bình cả năm nay vượt mức 4%, thì lạm phát trung bình trong 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, tức là trong giai đoạn còn lại của năm 2022 CPI sẽ phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng. Tuy nhiên, xác suất xảy ra kịch bản này không cao, bởi bất chấp giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, CPI mới chỉ tăng trung bình khoảng 0,5%/tháng.

Hiện nay, giá xăng dầu và giá nhiều nguyên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và Fed tăng lãi suất mạnh với tần suất cao. Bởi vậy, kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn là giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới và tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ ở mức thấp hơn 0,5%/tháng. Theo kịch bản này, TS. Nguyễn Đức Độ dự báo lạm phát trung bình trong năm nay sẽ trong tầm kiểm soát, ở mức dưới 3,5%.

TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), đưa ra 2 kịch bản, trong đó dự báo CPI bình quân tăng trên dưới 4%.

Kiến nghị các biện pháp bình ổn giá từ nay đến cuối năm, nhiều ý kiến đề nghị cần thực hiện biện pháp kiểm soát lạm phát linh hoạt, chủ động. Trong đó, Chính phủ cần tập trung ổn định giá để tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân; đồng thời, kết hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ, tránh gây tác động cộng hưởng lên lạm phát.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu; không đồng thời tăng giá các mặt hàng trong bối cảnh hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú khuyến cáo Chính phủ và các Bộ ngành cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp cơ bản như: Đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện kết nối lại các chuỗi cung ứng trong nội địa cũng như mối quan hệ xuất nhập khẩu với các nước khác. Tiếp tục thúc đẩy sản xuất bền vững, cung ứng trước hết cho thị trƣờng nội địa và hàng hoá xuất khẩu. Thực hiện tốt chính sách tài khoá và tiền tệ. Đảm bảo thu ngân sách đầy đủ, cần dung dưỡng nguồn thu, khuyến khích doanh nghiệp nói thật, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Chi ngân sách tiết kiệm hiệu quả, chống lãng phí. Đẩy mạnh đầu tƣ cơ sở hạ tầng, giảm chi phí về hành chính, tiền bạc, thời gian cho doanh nghiệp. Thực hiện chính sách tín dụng tích cực, thu hút vốn nhàn rỗi, sử dụng hiệu quả vốn vay ngân hàng. Quản lý chặt chẽ thị trường chứng khoán, trái phiếu bất động sản đi đôi với đó khôi phục sức cầu nội địa, tổ chức kiểm soát thị trường giá cả chống đầu cơ buôn lậu nâng giá bất hợp lý kể cả những mặt hàng mà trước đây không thuộc nhà nước định giá như chỉ đạo của chính phủ mấy ngày gần đây, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh của các gia đình Việt Nam. Ngoài việc giảm chi phí đầu vào cho hàng hoá vật tư, nguyên nhiên vật liệu cần tổ chức tốt hệ thống phân phối quốc gia, giảm trung gian bất hợp lý và những biểu hiện dựa vào thế mạnh của doanh số và thuơng hiệu để ép chiết khấu các nhà cung ứng của một số đơn vị bán lẻ thao túng thị trường làm thiệt hại cho người sản xuất và cả người tiêu dùng xã hội. Làm tốt hơn nữa công tác thống kê sát với tình hình thực tế để làm cơ sở chỉ đạo kịp thời góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Nếu làm được tốt những yêu cầu trên, khả năng lạm phát năm nay chỉ ở mức 4% nhƣ chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 làm tiền đề phát triển nhanh và vững chắc cho những năm tiếp theo.

An Thảo