Đồng USD tăng mạnh sau bầu cử Mỹ, châu Á đối mặt thách thức (Ảnh: Reuters). |
Đồng USD đã tăng mạnh sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, khiến các nhà hoạch định chính sách và kinh tế tại châu Á phải theo dõi sát sao xu hướng này.
Chỉ trong tháng qua, đồng bạc xanh đã tăng 2,5% so với đô la Singapore và gần 3,9% so với đồng ringgit (đồng nội tệ của Malaysia). Đồng tiền này cũng tăng 3,7% so với yên Nhật. Từ thời điểm bầu cử vào đầu tháng 11, đồng USD đã tăng lần lượt 2,7% và 3,4% so với đô la Singapore và đồng ringgit.
Xuất khẩu và đầu tư trở nên rẻ hơn
Ông Jason Kuan, Giám đốc nghiên cứu đầu tư và tư vấn của CIMB, nhận định rằng, việc đồng đô la Singapore, ringgit và yên yếu hơn sẽ giúp hàng xuất khẩu của ba quốc gia này trở nên cạnh tranh hơn so với các quốc gia có đồng tiền mạnh hơn. Ngoài ra, các đồng tiền yếu hơn cũng có thể thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp hơn.
Tuy nhiên, các mức thuế của Mỹ có thể làm giảm tác động này. Ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường của IG, nhận định: "Phần lớn các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu đều có quan hệ thương mại đáng kể với Mỹ, nên bất kỳ chính sách áp thuế nào từ phía Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu xuất khẩu."
Theo đó, ông Trump đã đề xuất áp mức thuế 60% đối với Trung Quốc và 10-20% đối với hàng nhập khẩu toàn cầu.
Dù vậy, tác động ròng sẽ phụ thuộc vào sự cân bằng giữa lợi thế của hàng xuất khẩu rẻ hơn và mức độ khắc nghiệt của các mức thuế mới từ Mỹ.
Lạm phát và du lịch
Về mặt lạm phát, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có khả năng cao làm gia tăng rủi ro tại khu vực thông qua các khoản nhập khẩu đắt đỏ hơn. Cụ thể, đồng USD mạnh làm tăng lạm phát tại các quốc gia có đồng tiền yếu hơn, cả bằng cách làm tăng gánh nặng nợ theo USD và đẩy chi phí nhập khẩu lên cao.
Với phần lớn giao dịch thương mại toàn cầu được định giá bằng USD, các quốc gia châu Á phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu và các hàng hóa thiết yếu khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Về du lịch, ông Chang Wei Liang, chiến lược gia FX và tín dụng của DBS, nhận xét rằng, mặc dù đồng USD mạnh hơn có thể thúc đẩy số lượng du khách Mỹ đến châu Á, tác động tổng thể lên ngành du lịch của khu vực vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân là số lượng du khách Mỹ đến châu Á thấp hơn nhiều so với khách du lịch nội khối châu Á.
"Đối với Singapore, đồng USD mạnh đồng nghĩa với việc các đồng tiền châu Á sẽ suy yếu so với đô la Singapore", ông nói thêm. "Điều này có thể ảnh hưởng đến lượng khách du lịch châu Á đến Singapore, đặc biệt là từ Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc".
Dự báo trái chiều
Ông Yeap của IG cho rằng, nhiều yếu tố phụ thuộc vào định hướng của đồng USD, điều cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các ưu tiên chính sách của ông Trump.
Ông dự đoán đồng bạc xanh có thể tiếp tục mạnh lên. "Thị trường đang nhanh chóng phản ứng với triển vọng ít nới lỏng từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, bởi phần lớn các chính sách của ông Trump liên quan đến cắt giảm thuế, chi tiêu và thuế nhập khẩu đều có khả năng được thông qua nhờ làn sóng đỏ trong Quốc hội Mỹ".
Bà Charu Chanana, chiến lược gia đầu tư chính tại Saxo, cho biết, các chính sách tài khóa như cắt giảm thuế và gỡ bỏ quy định có thể hỗ trợ tăng trưởng và tăng lợi suất, qua đó thúc đẩy đồng USD.
Tuy nhiên, hiện tại các đồng tiền khác có khả năng sẽ tiếp tục giảm so với USD khi các kế hoạch kinh tế và lập trường thương mại toàn cầu của ông Trump vẫn chưa rõ ràng, ông Yeap của IG nói thêm.
Ông Philip Wee, chuyên gia kinh tế cao cấp về tiền tệ tại DBS, dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất từ 4,75% xuống 3,5% vào giữa năm 2025 và giữ ở mức này đến năm 2026. Ông nhận định khi dữ liệu GDP, lạm phát và việc làm của Mỹ ngừng gây bất ngờ và trở nên yếu hơn, Fed có thể nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm lãi suất vào năm 2025. Điều này có thể khiến đô la Singapore, yên Nhật và ringgit tăng giá so với USD, ông nói thêm.
Ông Paul Chew, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Phillip Securities Research, cho rằng, các biến động tỷ giá trong ngắn hạn chủ yếu bị chi phối bởi điều kiện kinh tế, chênh lệch lãi suất và sự can thiệp của ngân hàng trung ương.
Về yên Nhật, ông Chang của DBS dự đoán sự phục hồi dần dần trong trung và dài hạn. Điều này là do chênh lệch lợi suất của yên so với các đồng tiền khác dự kiến sẽ thu hẹp vào năm 2025, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất, trong khi Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu giảm lãi suất khi lạm phát giảm. Ông Chang dự đoán tỷ giá USD/yên sẽ giảm về mức 150 vào cuối năm 2024, và sau đó về mức 139 vào cuối năm 2025.