Động thái mới từ Foxconn gây trở ngại cho tham vọng sản xuất chip của Ấn Độ

09:26 11/07/2023

Trong thông báo của mình, Foxconn cho biết đã quyết định sẽ không tiếp tục liên doanh với Tập đoàn Vedanta của Ấn Độ mà không nói rõ lý do cho động thái này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Hãng Foxconn của Đài Loan ngày 10.7 thông báo rút khỏi liên doanh sản xuất chất bán dẫn trị giá 19,5 tỉ USD (461.223 tỉ đồng) với Tập đoàn Vedanta của Ấn Độ, trở ngại mới trong kế hoạch sản xuất chip của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Foxconn, nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đã ký thỏa thuận với Vedanta vào năm ngoái để thành lập các nhà máy sản xuất chất bán dẫn và màn hình ở bang Gujarat, quê hương của ông Modi.

"Foxconn đã quyết định sẽ không tiếp tục liên doanh với Vedanta", Reuters dẫn thông cáo của Foxconn cho biết, nhưng không giải thích lý do.

Thay vào đó theo Reuters trích dẫn thông báo này, Foxconn chỉ cho biết đã làm việc với Vedanta hơn một năm để biến "một ý tưởng bán dẫn tuyệt vời thành hiện thực". Tuy nhiên cuối cùng, hai bên đều đi đến quyết định cùng chấm dứt liên doanh và sẽ xóa tên mình khỏi một thực thể hiện thuộc sở hữu hoàn toàn của Vedanta.

Về phía Vedanta, công ty tái khẳng định cam kết với dự án bán dẫn của mình trong khi cân nhắc “các đối tác khác để thành lập xưởng đúc đầu tiên của Ấn Độ". Để có thể hoàn thành tầm nhìn của Thủ tướng Modi, công ty cho biết mình đã “nỗ lực gấp đôi".

Thứ trưởng Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar cũng cho biết quyết định của Foxconn "không ảnh hưởng" đến các kế hoạch của quốc gia này đồng thời cho biết thêm rằng cả hai công ty đều là "những nhà đầu tư có giá trị" tại đây.

Khi được hỏi về nguyên nhân hợp tác thất bại, ông tuyên bố chính phủ không phải là bên có trách nhiệm "tìm hiểu lý do tại sao hoặc làm thế nào hai công ty tư nhân chọn hợp tác hoặc chọn không hợp tác".

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin trong lĩnh vực này cho biết Foxconn lo ngại về sự chậm trễ trong việc phê duyệt ưu đãi của chính phủ Ấn Độ như đã hứa. Điều này góp phần khiến công ty Đài Loan quyết định rút khỏi liên doanh. Trong khi đó, New Delhi cũng đã đặt ra một số câu hỏi về ước tính chi phí do doanh nghiệp cung cấp để yêu cầu các ưu đãi từ Chính phủ.

Xây dựng ngành công nghiệp chế tạo chip và chất bán dẫn là một ưu tiên kinh tế hàng đầu của Chính phủ của Thủ tướng Modi. Đây được coi là ‘kỷ nguyên mới’ của ngành sản xuất điện tử Ấn Độ. Tuy nhiên, với động thái của Foxconn, tham vọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Ấn Độ để sản xuất chip có khả năng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

"Thỏa thuận này không thành công chắc chắn là một trở ngại đối với nỗ lực 'Make in India' (Sản xuất tại Ấn Độ)", ông Neil Shah, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint nhận định. Chuyên gia này cho rằng động thái của Foxconn cũng không phản ánh tốt về Vedanta và "khiến các công ty khác phải kinh ngạc và nghi ngờ".

Foxconn nổi tiếng với việc lắp ráp iPhone và các sản phẩm khác cho Apple. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhà sản xuất Đài Loan đã mở rộng sang lĩnh vực sản xuất chip để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh.

Tháng 9/2022, liên doanh Vedanta - Foxconn đã công bố kế hoạch sản xuất chip của mình ở bang Gujarat và Thủ tướng Modi từng gọi dự án này là "một bước quan trọng" trong việc thúc đẩy tham vọng sản xuất chip của Ấn Độ.

Thế nhưng, trong số các vấn đề mà dự án Vedanta - Foxconn gặp phải là các cuộc đàm phán bế tắc liên quan đến nhà sản xuất chip châu Âu STMicroelectronics với tư cách là một đối tác công nghệ, Reuters đưa tin trước đó.

Trong khi liên doanh Vedanta - Foxconn tìm cách để STMicroelectronics tham gia cấp phép công nghệ, thì chính phủ Ấn Độ lại khẳng định rõ quan điểm rằng họ muốn hãng chip châu Âu "tham gia đầu tư nhiều hơn", chẳng hạn như có cổ phần trong quan hệ đối tác.

Trái lại, STMicro không quan tâm đến điều đó và các cuộc đàm phán vẫn còn trong tình trạng lấp lửng, một nguồn tin của Reuters cho biết.

Ấn Độ kỳ vọng thị trường chất bán dẫn của mình sẽ có thể phát triển lên mức 63 tỷ USD vào năm 2026. Năm ngoái, nước này đã nhận được 3 bộ hồ sơ xin cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất chip và chất bán dẫn để được hưởng các ưu đãi trị giá 10 tỷ USD của Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh liên doanh của Foxconn và Vedanta đã bị ‘khai tử’, hai dự án còn lại đều đang bị chậm tiến độ.

Minh Hà (t/h)