Đồng bằng sông Cửu Long cần các trung tâm logistics chuyên nghiệp

14:08 09/04/2021

Sáng ngày 09/04 tại trường quay trung tâm kỹ thuật đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức buổi toạ đàm “Đòn bẩy cho logistics nông sản Đồng Bằng Sông Cửu Long".

Đến tham dự buổi toạ đàm có ông Lê Tiến Châu , Uỷ viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang. GS.TS.NGND Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đai học Nam Cần Thơ và nhiều lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu của Hậu Giang và ĐBSCL.

Tại buổi Tọa đàm, các thương nhân đại diện cho doanh nghiệp nông sản, các Hợp tác xã, bà con nông dân và nhà nhập khẩu đã nêu lên lên những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải để các lãnh đạo đứng đầu tỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học cùng đưa ra giải pháp tối ưu nhất nhằm giải quyết vấn đề, đặc biệt là vấn đề kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho nông sản Việt Nam, từ canh tác - thu hoạch - thu mua - vận chuyển - làm sạch - lưu trữ - chiếu xạ, cho đến thông quan - xuất khẩu; từ đó giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh cho nông sản. 

Quang cảnh buổi toạ đàm

Được biết ĐBSCL là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL lên đến hàng chục triệu tấn. Tuy nhiên, cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Chưa kể, tình trạng một số cảng trọng điểm tại TP.HCM thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng… Thêm vào đó là khu vực ĐBSCL còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh; thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn… Do đó, hàng hóa phải được vận chuyển qua nhiều địa điểm, và phải đưa lên TP.HCM để xuất đi các nơi, trong khi hệ thống giao thông ở ĐBSCL chưa phát triển xứng tầm với nhu cầu phát triển.

Những điểm hạn chế này dẫn đến thực trạng nông sản khu vực ĐBSCL đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có gánh nặng về chi phí Logistics. Chi phí logistics hiện tại đang chiếm cao nhất và cao một cách bất hợp lý, cụ thể là lên đến 30% giá thành sản phẩm, khiến cho nông sản ĐBSCL giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước như Thái Lan, Trung Quốc…

Buổi Tọa đàm đã diễn ra 3 phiên với sự góp mặt của các diễn giả là Lãnh đạo địa phương cùng các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu như: Ông Lê Tiến Châu- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang; ông Đồng Văn Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; GS.TS.NGND Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ; ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ; bà Trang Bùi – Giám đốc Cấp cao thị trường Việt Nam, JLL, ông Phạm Tiến Hoài - Tổng Giám đốc Hạnh Nguyên Logistics; ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group… Bên cạnh đó là lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Hậu Giang, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh ĐBSCL cùng hơn 100 đại biểu đại diện doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước và đại diện các Hợp tác xã nông sản.

Buổi Tọa đàm đã đưa ra được nhiều giải pháp toàn diện để giải quyết vấn đề logistics nông sản cho khu vực được xem là “vựa nông sản” của cả nước. Tiến sĩ Đoàn Hữu Tiến- Phó Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật- Viện cây ăn quả miền Nam, cho biết: “Tọa đàm hôm nay tôi thấy rất là ý nghĩa. Nhiều thông tin, khía cạnh chúng ta đưa lên để cho nhiều đối tượng biết, từ Trung ương tới địa phương cũng như các doanh nghiệp. Tôi tin tưởng một điều, sau Tọa đàm này thì những tác động về mặt Nhà nước, cũng như các doanh nghiệp sẽ quan tâm hơn đến việc phát triển logistics ở ĐBSCL" .

Trần Hữu Lễ

Tags: