Dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến, các cá nhân kinh doanh không đăng ký nộp thuế theo phương pháp kê khai nhưng có hoạt động kinh doanh thường xuyên trên nền tảng thương mại điện tử sẽ phải kê khai thuế theo tháng. Điều này phù hợp với các trường hợp có sử dụng phần mềm quản lý doanh thu, giúp trích xuất dữ liệu nhanh chóng. Tuy nhiên, những cá nhân mới khởi nghiệp hoặc kinh doanh nhỏ lẻ, không có công cụ hỗ trợ, sẽ gặp khó khăn khi thực hiện kê khai thuế.
![]() |
Bộ Tài chính đang soạn thảo Nghị định mới về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử và nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. |
Ngoài ra, dự thảo cũng yêu cầu hộ cá nhân kê khai chi tiết doanh thu, số thuế phải nộp và chi phí kinh doanh. Tuy nhiên, việc kê khai chi phí là không cần thiết đối với những cá nhân kinh doanh nhỏ, vì thuế chủ yếu được tính dựa trên doanh thu. Việc phải báo cáo cụ thể các khoản chi như giá vốn, nhân công, điện nước, vận chuyển, quảng cáo... có thể tạo ra gánh nặng hành chính đáng kể, trong khi các mô hình kinh doanh nhỏ thường khó phân tách chính xác những khoản này.
Một điểm đáng lưu ý khác là cách xác định doanh thu tính thuế trong dự thảo. Theo đó, doanh thu tính thuế được tính bằng tổng số tiền mà sàn thương mại điện tử thu hộ từ người mua. Điều này có thể gây bất lợi cho người bán, vì mỗi giao dịch trên sàn không chỉ bao gồm tiền hàng hóa, dịch vụ của người bán mà còn có cả phí vận chuyển, phí dịch vụ của sàn và các khoản thanh toán khác. Nếu áp dụng cách tính này, người bán hàng online sẽ chịu thiệt thòi không nhỏ.
Hiện cả nước có khoảng 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử với tổng giá trị giao dịch lên tới 75.000 tỷ đồng. Quản lý thuế hiệu quả với nhóm đối tượng này không chỉ giúp tăng nguồn thu ngân sách mà còn góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, chính sách thuế cần được thiết kế hợp lý, giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
Bộ Tài chính có thể xem xét một số đề xuất của doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh, như: cho phép kê khai thuế theo phương pháp khoán đối với cá nhân có số lượng đơn hàng dưới một mức nhất định (thông tin có thể lấy từ đơn vị vận chuyển); bỏ quy định yêu cầu cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải kê khai chi phí kinh doanh; điều chỉnh cách tính doanh thu thuế theo hướng chỉ tính trên số tiền thực tế sàn thương mại điện tử thanh toán cho cá nhân kinh doanh. Đồng thời, ngành thuế cần đẩy mạnh việc tự động hóa quy trình quyết toán và hoàn thuế thu nhập cá nhân, giúp người nộp thuế dễ dàng thực hiện nghĩa vụ của mình.
Nếu được xây dựng hợp lý, các quy định về quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử không chỉ giúp nâng cao hiệu quả thu ngân sách mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế số, đồng thời bảo đảm công bằng trong hệ thống thuế.
Năm 2024, ngành thuế đã thu được khoảng 116.000 tỷ đồng từ các tổ chức và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, tăng 20% so với năm 2023. Sự gia tăng này được cho là nhờ vào việc hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử. |