Các nghệ nhân thuộc Nhóm nghệ thuật xếp tráp rồng phượng Bảo Khánh cho biết, tác phẩm hai ông rồng vàng chầu có chiều dài 12 m, điểm uốn lượn cao nhất của thân rồng hơn 2m, phần ngang của thân rồng hơm 50cm được ghép bằng gần 100kg sắt, 300 tấm xốp và hơn 1 tấn cam. Để hoàn thành tác phẩm nghệ thuật này, qua các công đoạn, 20 nghệ nhân ở nhiều tỉnh, thành được huy độngi làm việc cật lực trong 10 ngày, nhiều hôm làm cả đêm.
Theo nghệ nhân Nguyễn Tiền Bằng , được Ban tổ chức tin tưởng, vợ chồng tôi (vợ anh Bằng là nghệ nhân Vũ Thị Bích Hằng) rất lo bởi kích thước hai ông rồng quá lớn, nhiều chi tiết khó, thân rồng lại được ghép bằng cam tạo vảy – cả nhóm chưa ai từng làm nguyên liệu này bao giờ. Tuy nhiên, là một người con của đất Tổ, tôi nhận thấy đây là cơ hội có một không hai được thể hiện lòng thành kính với các vua Hùng nhân dịp Quốc lễ, đồng thời góp phần quảng bá thương hiệu trái cam đặc sản lòng vàng Cao Phong của tỉnh Hòa Bình đến đông đảo du khách thập phương nên tôi quyết tâm và mời các nghệ nhân giỏi ở các tỉnh, thành khác về chung sức. Bằng tất cả nhiệt huyết, sự sáng tạo nghệ thuật, không kể ngày đêm, chúng tôi đã thổi hồn vào tác phẩm đôi ông rồng vàng chầu bằng cam Cao Phong uy nghi, hùng dũng, được cho là lớn nhất Việt Nam.
“Việc uốn thân rồng uốn lượn bằng sắt đã khó nhưng ghép những trái cam không có kẽ hở mà vẫn đảm bảo cam nguyên vẹn còn khó hơn. Chúng tôi phải dùng băng dinh quấn vào một phần trái cam rồi dùng que tre xuyên qua băng dính vào các tấm xốp. Đây là công đoạn rất tỷ mỷ, công phu, nếu không có kỹ thuật sẽ khó tạo được thân rồng từng lớp khít, mịn và tạo thành khối liên kết chắc chắn”, nghệ nhân Nguyễn Tiền Bằng chia sẻ thêm về kỹ thuật.
Cùng chung niềm vui, nghệ nhân Trần Thị Thu Hà đến từ Hà Nội cho biết: Chúng tôi rất tự hào và vinh dự khi được góp sức thực hiện tác phẩm đôi ông rồng chầu dâng lên các vua Hùng. Đêm trước diễn ra Lễ dâng hương, sau khi chạy đua với thời gian để hoàn thành tác phẩm, dù rất mệt mỏi nhưng tất cả anh chị em trong nhóm đều không ngủ được bởi cảm xúc cứ lâng lâng... Ai cũng muốn ghi lại thật nhiều hình ảnh làm kỷ niệm cùng tác phẩm “để đời” của mình được hiện diện trang trọng nơi đất Tổ linh thiêng. Gần sáng, bỗng trời đổ mưa rất to đã rửa sạch bụi bẩn, màu sắc thân hai ông rồng vàng óng, chúng tôi nghĩ công sức và tâm đức của mọi người đã được trời đất chứng giám. Niềm vui sướng và hạnh phúc càng trào dâng khi chúng tôi được chứng kiến du khách thập phương, cùng cộng đồng doanh nhân về dâng hương các vua Hùng trầm trồ, thán phục xen lẫn tò mò khi chiêm ngưỡng hai ông rồng cam do bàn tay và trí óc của các thành viên trong nhóm tạo thành.
Lễ Dâng hương đền Hùng:“Doanh nghiệp và cộng đồng vì trẻ em Việt Nam 2019” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức, đơn vị thực hiện là Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập. Bên cạnh thể hiện trách nhiệm với cộng đồng thông qua việc trao tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Phú Thọ; ký kết tài trợ; ủng hộ; đấu giá các vật phẩm gây quỹ vì trẻ em với nhiều tỷ đồng, còn là dịp cộng đồng doanh nghiệp hành hương về đất Tổ bày tỏ lòng thành kính với các vua Hùng.
Hòa chung trong không khí vui tươi, phấn khởi của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tham gia Lễ dâng hương đền Hùng, UBND và các doanh nghiệp trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong đã cùng dâng lên vua Hùng sản vật tinh túy nhất của mảnh đất quê hương mình bằng những mâm lễ tại các nơi đền và tạo nên tác phẩm nghệ thuật hai ông rồng chầu bằng cam cho khách thăm quan, chiêm ngưỡng, …nhằm tăng thêm sự gắn kết, tình cảm nồng ấm của doanh nghiệp và địa phương tỉnh Hòa Bình. Sự sáng tạo của các nghệ nhân qua tác phẩm nghệ thuật hai ông rồng chầu đã tạo điểm nhấn ấn tượng với du khách, góp phần nâng tầm cho sản phẩm cam Cao Phong. Nói như ông Quách Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong: Đến với dịp lễ hội lần này, người dân Cao Phong và các doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình rất tự hào vì lần đầu tiên được mang sản vật của địa phương dâng lên các vua Hùng, qua đó góp phần quảng bá được thương hiệu cam Cao phong đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Cam Cao Phong có từ thời thập niên 60. Trong quá trình phát triển hiện nay Cam Cao Phong đã khẳng định được thương hiệu của mình. Đặc biệt, năm 2014 được cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học Công nghệ cấp chỉ dẫn địa lý và từ đó lễ hội cam Cao Phong được tổ chức hằng năm.”.Thương hiệu cam Cao Phong là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình và là nông sản đầu tiên của tỉnh được cấp Chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, diện tích trồng cam Cao Phong đạt 3.100 ha. Sản lượng năm 2018-2019, dự kiến đạt khoảng 35 ngàn tấn. Với hương vị thơm, ngọt đặc trưng, an toàn với sức khỏe người sử dụng, trong những năm qua, sản phẩm cam Cao Phong ngon nức tiếng đã được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn, là niềm tự hào của người dân Cao Phong. Cam Cao Phong là một trong món ẩm thực phục vụ trên chuyến bay hạng thương gia của hãng hàng không Vietnam Airline.
Trí Kiên
Ảnh trong bài: Đôi rồng vàng chầu lớn nhất Việt Nam được các nghệ nhân sáng tạo bằng cam Cao Phong tạo điểm nhấn ấn tượng, thu hút du khách thập phương tại Lễ dâng hương: "Doanh nhân và cộng đồng vì trẻ em Việt Nam 2019".