Doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng 'sức đề kháng'

09:54 12/05/2021

Nâng cao khả năng thích ứng và chịu đựng trước những tác động bất lợi của thị trường đến từ nhiều nguồn khác nhau là yếu tố quan trọng với các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

 

Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 khả quan. Ảnh: VITAS

Khởi sắc
Báo cáo xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm nay ước đạt 206,51 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3%; nhập khẩu đạt 102,6 tỷ USD, tăng 30,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 59,8%, gồm: Điện thoại và linh kiện có trị giá xuất khẩu lớn nhất đạt 18,4 tỷ USD, chiếm 17,7%, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,9 tỷ USD, tăng 30,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12 tỷ USD, tăng 76,9%; hàng dệt may đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9%; giày dép đạt 6,4 tỷ USD, tăng 18,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5 tỷ USD, tăng 50,5%.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng với kim ngạch đạt 30,26 tỷ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 16,84 tỷ USD, tăng 32,4%.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng tiếp theo sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được thực thi toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Các FTA như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKFTA)… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ.

Cùng với nhu cầu thị trường khởi sắc, giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng trong xu hướng tăng. Điều này được nhận định là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Đơn cử tại nhóm hàng dệt may, một trong những ngành hàng “tỷ đô” của Việt Nam, số liệu do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cung cấp, tại thị trường EU, năm 2020 giá trị của 100 kg áo T-shirt cotton sản xuất tại Bangladesh giảm 1% so với năm 2019, xuống còn 1.091,5 euro, sản phẩm cùng chủng loại được sản xuất tại Việt Nam tăng giá 3%, đạt 2.157,9 euro. Tại thị trường Mỹ, giá 1 tá áo thun cotton Bangladesh giảm 20% vào năm 2020, xuống còn 17,99 USD, Việt Nam giảm 17% xuống còn 31,9 USD; giá áo len chui đầu của Bangladesh giảm 2%, còn Việt Nam vẫn ổn định ở mức 46,9 USD.

Nhóm hàng nông sản cũng tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tăng giá tích cực như: Gạo tăng 18,6%, đạt 547 USD/tấn (thời điểm đầu tháng 4/2021); cà phê tăng 6,8%, đạt bình quân 1.801 USD/tấn; chè tăng 10,2%, đạt bình quân 1.604 USD/tấn; cao su tăng 14,1%, đạt bình quân 1.660 USD/tấn; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 9,3%, giá hạt tiêu tăng tới 31,5%, đạt bình quân 2.879 USD/tấn.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, xuất khẩu thủy sản trong Quý II/2021 sẽ tiếp đà tăng trưởng 10%. Ảnh minh họa

Chủ động thích nghi

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đơn hàng đến hết quý III/2021, thậm chí hết năm. Hiệp hội Dệt may dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2021 khả quan và có thể hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD như đã đề ra.

Ông Giang nhận định, đơn hàng về khá, kim ngạch xuất khẩu tăng chứng tỏ doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thích ứng với điều kiện kinh doanh mới thông qua các giải pháp đa dạng hóa dòng hàng, thị trường, cũng như thích ứng được với nền tảng cơ chế mua bán và thanh toán theo bối cảnh mới. Đặc biệt, doanh nghiệp đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, giao hàng nhanh.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nêu vấn đề, hiện nay các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang trong giai đoạn tiếp nhận loạt đơn hàng dịch chuyển từ những thị trường có bất ổn về chính trị, thương mại. Các nhãn hàng, nhà nhập khẩu đòi hỏi Việt Nam phải có nguồn cung ngay tại nội địa hoặc ở nội khối của các nước có cam kết FTA để hưởng ưu đãi. Chính vì thế, Hiệp hội Dệt may đã và đang vận động, kêu gọi các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư vào chuỗi cung nguyên liệu Việt Nam.

Để làm được việc này, Hiệp hội Dệt may cũng kiến nghị Chính phủ quy hoạch những khu vực khu công nghiệp chuyên biệt cho dệt may, có hệ thống xử lý chất thải hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may trong nước cần tiếp tục theo sát thay đổi của thị trường, điều chỉnh sản xuất kịp thời, tăng cường tìm kiếm đơn hàng mới bởi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và ngành dệt may vẫn sẽ chịu sự tác động theo xu thế chung của toàn cầu.

Cũng trong nhóm hàng “tỷ đô”, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, xuất khẩu thủy sản trong quý II/2021 sẽ tiếp đà tăng trưởng 10% và đạt khoảng 2,1 tỷ USD. Australia, Canada, Anh, Nga sẽ tiếp tục là những điểm sáng mới trong bức tranh xuất khẩu thủy sản từ nay đến cuối năm vì nhu cầu đang gia tăng và không gặp bất ổn hay rào cản thị trường.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, trong đó tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời; củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

Tuy nhiên, cơ quan này vẫn nhìn nhận, hoạt động xuất nhập khẩu từ nay đến cuối năm 2021 vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản như: Vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; chuỗi cung ứng bị gián đoạn; nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí logistics, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm…

“Cùng với những giải pháp của Bộ Công Thương, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt cơ hội từ bối cảnh mới”, Thứ trưởng nói.

Phan Trang/ Báo Chính phủ