Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và Đài Loan tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương, đầu tư để mở rộng thị trường, ngày hôm nay (18/10), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) phối hợp với Hội đồng xúc tiến thương mại Đài Loan (TAITRA) đã tổ chức Chương trình Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Đài Loan (B2B Meeting) năm 2023.
Tham gia Chương trình có đại điện các doanh nghiệp Việt Nam – Đài Loan tiên phong trong các lĩnh vực: Máy tính, thiết bị điện từ, linh kiện điện tử, cảm biến điện tử, thiết bị tiêu dùng, sản xuất kính 3D, đền thoát hiểm, hệ thống máy chiếu kết nối Wifi, thiết bị sao lưu điện thoại thông minh, thiết bị ứng dụng dành cho an ninh mạng và bảo mật.
Khai mạc chương trình, TS.Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME chia sẻ: “Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện đóng góp khoảng 40% đầu tư của toàn xã hội. Đây là một trong 3 khu vực có tỷ lệ đóng góp tổng vốn đầu tư cho toàn xã hội là lớn nhất. Trong 10 năm trở lại đây thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có tỷ lệ tham gia vào kinh tế quốc tế từ 2,8% đã tăng lên 5,8%, đây là số lượng không hề nhỏ. Nếu tính ra một con số cụ thể thì có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh tế quốc tế trực tiếp hoặc gián tiếp. Với mong muốn tạo ra cơ hội để doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam giao lưu và hợp tác với doanh nghiệp Đài Loan, VINASME cùng với TAITRA đã tổ chức chương trình Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Đài Loan ngày hôm nay".
Nói về lý do tổ chức hình thức gặp gỡ B2B lần này, ông Nam nhận định: “Cách thức tổ chức chương trình là B2B, vốn là cách thức được đánh giá là có hiệu quả tốt nhất. Theo đánh giá từ trước đến nay, các hình thức B2B của chúng tôi thường đạt được tỷ lệ thành công là khoảng 9-14%, đây là một tỷ lệ chúng tôi đánh giá là tương đối cao. Như vậy nếu chúng ta có 100 doanh nghiệp tiếp xúc với nhau thì có thể đạt mức độ cao nhất là 14 doanh nghiệp ký được hoạt động hợp tác cụ thể, còn mức thấp nhất có thể đạt được là 9 doanh nghiệp. Tại sao có khoảng cách là 9-14 doanh nghiệp thì nó dựa trên các yếu tố cơ bản như lĩnh vực mà triển khai tập trung và vai trò của 2 bên kết nối doanh nghiệp. Hai bên kết nối này cần phải hiểu được các doanh nghiệp và không ngại khó. Sau khi 2 bên doanh nghiệp gặp nhau ngày hôm nay, sẽ còn rất nhiều vấn đề khúc mắc mà lúc này vai trò của 2 bên tổ chức cần được phát huy để kết quả hợp tác diễn ra tốt đẹp”.
Đối với Đài Loan, TS.Tô Hoài Nam đánh giá đây là nơi có định hướng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thành công. Cho nên, ông rất có niềm tin đối với cộng đồng doanh nghiệp Đài Loan, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vùa.
Ông Nam mong trong buổi gặp hôm nay, các doanh nghiệp sẽ cố gắng nói thật năng lực của mình và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn nhất để có thể tận dụng hiệu quả sự hợp tác quý báu này.
Tại chương trình, các doanh nghiệp từ cả 2 phía Việt Nam và Đài Loan đã tham gia đàm phán chuyên sâu, cùng nhau giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ với mong muốn thúc đẩy cơ hội hợp tác và tìm kiếm khách hàng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, ông Aaron Cheng - Trưởng Văn phòng Đại diện của Trung tâm xúc tiến thương mại Đài Loan (TaiTra) chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng vì có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Lần này chúng tôi có tổng cộng 8 doanh nghiệp tham gia với những sản phẩm liên quan đến công nghệ thông tin. Hy vọng thông qua những hoạt động như thế này có thể đẩy mạnh tăng cường giao thương giữa Việt Nam và Đài Loan, cung cấp cho các doanh nghiệp và người dân Việt Nam những sản phầm công nghệ thông tin có chất lượng tốt và an toàn. Trong tương lai, chúng tôi hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu và hợp tác với doanh nghiệp Đài Loan trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, điều trị y tế, năng lượng xanh, xe điện cũng như các linh phụ kiện liên quan. Hiện tại ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đều có Văn phòng đại diện, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển giữa các doanh nghiệp Đài Loan và Việt Nam hơn nữa”.
Tại chương trình, một số doanh nghiệp đại diện từ phía Việt Nam và Đài Loan cũng đã có cuộc trao đổi và chia sẻ mong muốn của mình với phóng viên về buổi gặp gỡ lần này.
Đại diện Công ty Shutter đến từ Đài Loan, ông William Liu – Giám đốc bán hàng khu vực, phụ trách thị trường Việt Nam và Hàn Quốc cùng bà Alice Chen- Giám đốc bán hàng khu vực, phụ trách thị trường Thái Lan và Philippine chia sẻ: “Công ty chúng tôi phân phối thiết bị điện tử theo 2 loại hình thức, một loại phục vụ cho thương mại (dành cho các công ty) và một loại dành cho công nghiệp (dùng cho xưởng sản xuất, nhà máy). Thị trường Việt Nam đang trên đà phát triển, thông qua chương trình này, chúng tôi hy vọng có thể tuyên truyền được sản phẩm đến Việt Nam và gặp được nhiều công ty để đẩy mạnh cơ hội hợp tác. Với chương trình B2B này, chúng tôi có thể hiểu được thị trường Việt Nam đang dùng các sản phẩm nào và các sản phẩm của công ty chúng tôi liệu có phù hợp hay không. Ngày hôm nay chúng tôi đã gặp gỡ được nhiều doanh nghiệp Việt và đạt được một số kết quả mong đợi ban đầu”.
Đại diện từ phía Việt Nam, ông Trần Hồ Phương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Aloxy chia sẻ: "Công ty tôi chuyên cung cấp các giải pháp tổng thể cho đô thị cũng như các dự án Nhà nước và các hệ thống đô thị lớn. Tôi mong muốn tìm được các giải pháp liên quan đến IoT (Internet vạn vật, hay cụ thể hơn là Mạng lưới vạn vật kết nối Internet) , hệ thống cảm biến và các hệ thống máy tính công nghiệp để tích hợp vào các hệ thống Smart City (thành phố thông minh) trong giải pháp trang trí đô thị. Hiện tại có 2 dòng sản phẩm mà chúng tôi quan tâm, thứ nhất là hệ thống máy tính công nghiệp tích hợp với các hệ thống hiển thị thông tin cũng như kết nối với các đầu vào IoT. Bởi hệ thống này rất phù hợp với những sản phẩm mà công ty sắp ra mắt trong tương lai. Ngoài ra còn có 1 sản phẩm nữa mà chúng tôi rất quan tâm đó là hệ thống đo cảm biến về chất lượng chỉ số môi trường bên trong và bên ngoài. Hiện tại phía Đài Loan cũng đang đưa ra những giải pháp về vấn đề này nên tôi cũng mong muốn tìm được đối tác có cùng mục đích để hợp tác”.
Ông Jack Chen - Giám đốc kinh doanh Công ty Nexcom, chuyên mảng an ninh mạng và những vấn đề liên quan đến phần cứng, chia sẻ: "Hiện tại, đối tượng chính mà Công ty chúng tôi đang hợp tác là những doanh nghiệp, công xưởng, văn phòng. Theo tôi đánh giá, Việt Nam là một nước đang phát triển và cũng rất chú trọng đến những vấn đề liên quan đến an ninh mạng, vì vậy qua chương trình ngày hôm nay tôi rất hy vọng có thể hiểu rõ hơn về thị trường Việt Nam và tìm được cơ hội hợp tác với các đối tác là doanh nghiệp Việt".
Chương trình ngày hôm nay được coi là bước đệm để thiết lập mối quan hệ hợp tác, mở rộng cơ hội đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Đài Loan. Thông qua chương trình, VINASME cam kết sẽ sẵn sàng đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp Việt để buổi làm việc ngày hôm nay đạt được kết quả tốt nhất.
“VINASME luôn mong muốn tạo điều kiện thuận lợi để giúp doanh nghiệp 2 nước cùng nhau hợp tác lâu dài, nên các doanh nghiệp tham gia ngày hôm nay hãy trao đổi và hợp tác trên phương diện chân thực nhất. Tôi hy vọng sự kiện hôm nay có thể giúp Hiệp hội đẩy cao tỷ lệ thành công trong mỗi lần diễn ra B2B hơn nữa”, TS. Tô Hoài Nam chia sẻ.
Mô hình kinh doanh B2B (từ viết tắt của cụm từ Business to Business) dùng để chỉ hình thức kinh doanh, buôn bán giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp. Có thể nói, hiện nay B2B là hình thức kinh doanh khá quan trọng và đóng vai trò to lớn trong việc tăng doanh thu cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. B2B được khá nhiều doanh nghiệp ưa chuộng bởi việc giao dịch và hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau mang lại lợi ích đa dạng và hiệu quả nhanh hơn, các doanh nghiệp cũng có thể hợp tác, cùng nhau khẳng định chỗ đứng trên thị trường thông qua hình thức hợp tác gia công, hợp tác đầu tư và làm việc cùng nhau.
Bảo Trinh
Video: Linh Chi