Doanh nghiệp Việt đang nắm thế chủ động của 'ván cờ' kinh tế

00:00 12/10/2020

Làn sóng chuyển chuỗi giá trị đang xem Việt Nam như một "ô cờ " trung tâm cần được chiếm lĩnh trên bàn cờ vua. Các doanh nghiệp Việt Nam đang cầm quân trắng và có cơ hội đi trước nên cần tận dụng cơ hội vàng này...

Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ điều này tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời nói rằng việc chiến thắng dịch Covid-19 đang mở ra một cơ hội mới cho doanh nghiệp, đất nước Việt Nam.

Ánh sáng đã xuất hiện...

Với tinh thần đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngay lúc này cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “vàng”, phục hồi và phát triển, kích thích tăng trưởng nền kinh tế.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) nói rằng, Covid-19 khiến thị trường và sức mua giảm 25% nhưng "doanh nghiệp có lời, có lỗ", vì vậy ông mong muốn Nhà nước có giải pháp điều hành phục hồi kinh tế, với biện pháp can thiệp cân nhắc hài hoà về giải quyết khó khăn trước mắt, khuyến khích tinh thần đổi mới, mục tiêu chung tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, phù hợp kinh tế thị trường.

thoi-co-voi-doanh-nghiep-Vietn-2280-9094

Việc chiến thắng dịch Covid-19 đang mở ra một cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam (Ảnh: Tư liệu) 

Chủ tịch Thaco cũng đề nghị không nên trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp để "làm mất nhuệ khí doanh nghiệp", mà kiến nghị các chính sách thúc đẩy kinh tế sau dịch Covid-19 ở các cấp ngành cần tập trung cao điểm quyết liệt, đồng hành cùng doanh nghiệp như thời gian chống dịch vừa qua.

Để đón đầu dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu, Thaco kiến nghị Chính phủ tạo thuận lợi để Thaco xây dựng các dự án logistics cảng biển, hạ tầng giao thông để nâng cao năng lực giảm giá thành, logictics.

Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhìn nhận đã có khủng hoảng, chắc chắn phải có tổn thương. Bởi vậy, ngành dệt may xác định cần phải bảo vệ vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Với tinh thần chủ động giảm bớt khó khăn, ngành dệt may Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức dệt may trên thế giới thuyết phục các nhà mua hàng trên thế giới cùng chia sẻ rủi ro, thanh toán tiền công lao động." ông Trường nói.

Du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nhất của Covid-19 nhưng ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Công ty Vietravel, cho hay đang nhìn thấy những tín hiệu khả quan. Việt Nam được quốc tế đánh giá cao phòng chống dịch Covid-19. Vì vậy, Việt Nam cần triển khai chiến dịch truyền thông nước ta là điểm đến an toàn để lôi kéo khách. "Nếu làm tốt điều này, đối với những thị trường đã có sự hồi phục, tôi cho rằng ta có thể thu hút được khách du lịch trở lại Việt Nam vào quý IV năm nay. Đó là thị trường ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á", ông Kỳ nói.

Đặc biệt, Vietravel đề xuất tạo ra những tam giác phát triển, có sự kết nối giữa các cơ quan chính quyền địa phương. Ví dụ miền Bắc có Hà Nội – Ninh Bình – Quảng Ninh, miền Trung có Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam và Nha Trang – Đăk Lăk – Phú Yên, miền Nam có Tp.HCM – Bà Rịa Vũng Tàu – Đông Nam Bộ.

Để thời cơ không vụt mất khỏi tầm tay

Cơ hội đã có, "quân cờ" đã trong tay nhưng làm thế nào để nắm bắt và biến nó thành hiện thực cũng không phải là chuyện dễ dàng. Gs. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Nhật Bản) nhìn nhận từ năm 1975 đến nay, Việt Nam đã hai lần đánh mất thời cơ và không nên mất thời cơ lần thứ ba.

"Nếu biết tận dụng thời cơ này, Việt Nam sẽ khắc phục các vấn đề về cơ cấu kinh tế nói ở trên và đưa kinh tế phát triển một bước vượt bậc trong thập niên 2020." Gs Đạt nói, đồng thời chỉ ra điểm yếu của nội lực Việt Nam là cơ cấu hành chính, là tinh thần trách nhiệm của quan chức, là sự tương tác không mấy thuận lợi của doanh nghiệp và dân chúng đối với chính sách của Nhà nước.

Trong khi đó, Ts.Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nhận định dịch sẽ lắng trên phạm vi toàn cầu, hoạt động kinh tế quốc tế được khôi phục, các chuỗi cung ứng được nối lại, sự di chuyển giữa các quốc gia dần trở lại bình thường.Trong giai đoạn này, định hướng chính sách sẽ chuyển từ quản lý khủng hoảng sang kích thích kinh tế vĩ mô.

Mục tiêu của Chính phủ là phục hồi đà tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế thích ứng với tình hình mới. Để thực hiện mục tiêu này chính sách cần khuyến khích cầu của khu vực ngoài Nhà nước (tiêu dùng, đầu tư trong và ngoài nước). Đối với mục tiêu này, chính sách tiền tệ đóng vai trò quan trọng, trong khi chính sách tài khóa cần giảm mức nới lỏng so với giai đoạn trước. Đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho phục hồi đà tăng trưởng.

Đặc biệt, ông lưu ý khởi động chương trình cơ cấu lại nền kinh tế thích ứng với tình hình mới sau đại dịch, bao gồm cả việc cải cách thể chế mạnh mẽ.

Trở lại với Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp, một lần nữa người đứng đầu Chính  phủ yêu cầu các Bộ, ngành, phải "xắn tay áo" vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp, một tinh thần cải cách đổi mới, thúc đẩy phát triển.

"Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, giờ đây tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần phải quan tâm tới khu vực yếu thế, tổn thương lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX. Đây là khu vực rất quan trọng, cung cấp việc làm cho rất nhiều người." Thủ tướng nói.

Với doanh nghiệp, Thủ tướng nhắn nhủ hãy yêu tổ quốc, đoàn kết, không nản chí, năng động, sáng tạo và có niềm tin. Thủ tướng kỳ vọng năm 2045, Việt Nam sẽ xuất hiện những đế chế kinh doanh khổng lồ mang tên "Made in Việt Nam".

"Không điều gì là không thể, hãy dám nghĩ lớn, làm lớn, đừng sợ thất bại vì thất bại là mẹ thành công, hãy cứ ước mơ và hành động biến ước mơ hiện thực." Thủ tướng nhắn nhủ tới cộng đồng doanh nghiệp.

Lê Thúy