Dịch COVID-19 đang khiến hàng loạt doanh nghiệp vận tải lo lắng, vì vốn tích lũy đều đã sử dụng để duy trì hoạt động. Năm 2021 dự báo sẽ còn khó khăn hơn, đây là lúc các doanh nghiệp cần sự “tiếp sức” của Nhà nước để phục hồi.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, từ đầu năm đến nay, Tổng cục đã kịp thời có những chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị vận tải thực hiện việc cắt giảm số chuyến/lượt hoặc đề xuất tạm dừng hoạt động để giảm thiểu thiệt hại; đồng thời tiếp thu, thống kê những vướng mắc doanh nghiệp vận tải các địa phương, bến xe đề xuất kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền những giải pháp tháo gỡ.
“Tổng cục vừa tham mưu Bộ GTVT gửi văn bản tới Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đề nghị tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay như: Giảm 50% lãi suất vay cho các khoản phải trả lãi (trong số này Nhà nước hỗ trợ 25% và ngân hàng 25%), áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 6%/năm; giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ 6 - 12 tháng”, bà PhanThị Thu Hiền cho hay.
Ngoài ra, Tổng cục cũng kiến nghị Bộ Tài chính cần tiếp tục cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư 112/2020 đến hết ngày 31/12/2021; Thông tư 74/2020 đến hết ngày 31/12/2021 và các chủ đầu dự án BOT miễn, giảm phí BOT trong thời gian có dịch và xem xét chuyển phí sử dụng đường bộ đã mua vé tháng cho ô tô qua trạm thu phí, nhưng do dịch bệnh, nên không được hoạt động sang tháng sau…
Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), đến thời điểm này, Bộ GTVT đã ban hành hơn 100 văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp vận tải. Bộ GTVT đang tiếp tục nghiên cứu bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, giảm chi phí logistics; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong các năm trước.
Tuy nhiên, trong khi chờ chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp vận tải đường bộ cần tự nỗ lực tái cơ cấu, đứng dậy bằng chính đôi chân của mình, chấp nhận sống chung, thích ứng để phát triển cùng dịch.
P.V