Trình bày trong Hội thảo công bố Báo cáo “Thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dưới góc nhìn của doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, đánh giá về TTHC liên ngành trong cấp phép xây dựng, hai thủ tục DN cảm thấy dễ dàng thực hiện hơn cả là thủ tục cấp thoát nước và kết nối, cấp điện.
Trong khi đó, với các TTHC còn lại, một tỷ lệ đáng kể DN (khoảng từ 32,5% đến 58,4%) còn gặp khó khăn, điển hình như các thủ tục liên quan đến phòng cháy, chữa cháy vốn được DN thường xuyên thực hiện nhất. Tỷ lệ DN gặp trở ngại với hai thủ tục này khá cao, lần lượt là 38,3% và 34%.
Đặc biệt, xếp cao nhất về tỷ lệ DN từng gặp khó khăn là các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, với tỷ lệ lần lượt 58,4% và 52,2%.
Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, thanh tra, kiểm tra về xây dựng là một hoạt động phổ biến mà các DN cũng thường gặp phải trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, 38,2% DN chưa hài lòng với hoạt động này của các cơ quan nhà nước.
“Điều này có thể do việc thanh tra chồng chéo, trùng lặp về nội dung và đối tượng hoặc thậm chí là cán bộ thanh tra “gây khó khăn” từ góc độ phản ánh của DN. Do đó, việc phối hợp hoạt động của các cơ quan thanh tra ở các cấp, đồng thời với việc công khai, minh bạch trong hoạt động thanh, kiểm tra xây dựng là rất cần thiết. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý hoạt động thanh tra xây dựng có thể nghiên cứu hình thức thanh tra trên cơ sở rủi ro. Đây là hình thức đã được nhiều bộ ngành khác áp dụng trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình (ví dụ ngành Thuế, ngành Hải quan). Thanh tra chuyên ngành xây dựng trên cơ sở đánh giá rủi ro của công trình xây dựng, sẽ giúp việc thanh tra đúng đối tượng, có tính tập trung và tận dụng tốt hơn nguồn lực của cơ quan nhà nước; đồng thời giảm bớt chi phí thời gian làm việc với các đoàn thanh tra cho những DN có năng lực tốt và luôn tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật” – ông Tuấn nói.
Ngoài ra, báo cáo “Thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dưới góc nhìn của doanh nghiệp cũng chỉ rõ, trải nghiệm của doanh nghiệp dân doanh đối với các thủ tục liên ngành về xây dựng kém tích cực hơn đáng kể so với doanh nghiệp FDI. Tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh gặp khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cao hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở 12/13 thủ tục hành chính được khảo sát.
Chênh lệch này đáng kể ở các nhóm thủ tục về “quyết định chủ trương đầu tư”, “thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng”, “thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị”, và “kết nối cấp điện.”
Điều này có thể phản ánh những chuyển động chính sách trên thực tế khi hầu hết các địa phương trên cả nước đều có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một số địa phương sẵn sàng “trải thảm đỏ” mời gọi nhà đầu tư nước ngoài với sự chuẩn bị sẵn về mặt bằng kinh doanh (ví dụ như các khu công nghiệp với hạ tầng đường xá, điện, nước, viễn thông hoàn thiện) đồng thời tạo thuận lợi về thủ tục đăng ký đầu tư.
Doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ là nhóm cảm thấy các trở ngại rõ ràng nhất. Ở 12/13 nhóm thủ tục, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ dưới 10 lao động đứng đầu về tỷ lệ gặp trở ngại. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với doanh nghiệp ở các quy mô khác, đặc biệt ở các nhóm thủ tục về “quyết định chủ trương đầu tư”, “thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng”, “kết nối cấp điện”, “đăng ký giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng”.
Khoảng 23% doanh nghiệp không đồng ý với nhận định “thời gian giải quyết hồ sơ đúng với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định.” Tình trạng này không phải là mới và không chỉ xảy ra đối với lĩnh vực xây dựng. Cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn chi phí thời gian cho doanh nghiệp vẫn là mục tiêu xuyên suốt trong các văn bản chính sách nhiều năm gần đây và được các doanh nghiệp chờ đợi.
Báo cáo khảo sát của VCCI cũng cho thấy, chi phí không chính thức vẫn là vấn đề gây phiền hà hàng đầu cho các DN xây dựng. Theo đó, chỉ khoảng 69% DN cho rằng họ không phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng. Nói cách khác, điều này cho thấy xấp xỉ 30% DN thừa nhận đã trả loại chi phí này ở một hoặc một số TTHC nào đó trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
Một vấn đề nữa cũng gây khó khăn cho các DN đó là thời hạn giải quyết TTHC vẫn còn quá dài. Theo khảo sát của VCCI, khoảng 23% DN không đồng ý với nhận định “thời gian giải quyết hồ sơ đúng với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định”.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết thêm, theo xếp hạng gần nhất của Ngân hàng Thế giới trong Báo cáo Doing Business 2020, xây dựng là lĩnh vực được đánh giá cải cách tốt nhất ở Việt Nam. Dù vậy, đánh giá của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra tổng thời gian thực tế DN bỏ ra khi thực hiện các TTHC trong lĩnh vực xây dựng thường lớn hơn nhiều so với quy định.
“Có thể nói nếu nhìn ở mặt văn bản hành chính thì thấy, số lượng các quy định, TTHC trong lĩnh vực xây dựng hiện đã giảm đáng kể so với những năm trước đây. Tuy nhiên, thời gian thực hiện TTHC trên thực tế dường như không giảm tương xứng, bởi khi DN trực tiếp thực hiện các thủ tục này thì vẫn là “nổi khổ trần ai”. Do đó, việc đơn giản hóa các loại giấy tờ, mẫu biểu, đặc biệt là thực hiện liên thông hoặc tích hợp các thủ tục liên ngành sẽ giảm đáng kể gánh nặng tuân thủ của DN” – bà Thảo nhấn mạnh.
Dựa trên những kết quả khảo sát thực tế từ DN liên quan đến việc thực hiện TTHC liên ngành về xây dựng, nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo đưa ra một số khuyến nghị cần tập trung cải thiện, để tạo thuận lợi hơn cho DN trong thời gian tới.
Cụ thể, để giảm chi phí, thời gian cho DN, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật về xây dựng và các lĩnh vực liên quan; xây dựng các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan đến giải quyết đồng thời các TTHC. Song song với đó, cần nghiên cứu giảm thời gian thực hiện trên thực tế đối với các thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy - chữa cháy, cấp giấy phép xây dựng, kết nối cấp điện, kết nối cấp nước, đăng ký đất đai – tài sản gắn liền với đất…
Đặc biệt, để giảm thiểu chi phí không chính thức, cần phát triển rộng rãi các hình thức thanh toán trực tuyến cấp độ 4 cho TTHC, để DN có thể thanh toán không dùng tiền mặt và hạn chế việc nhũng nhiễu, gây phiền hà khi DN phải gặp trực tiếp cán bộ giải quyết thủ tục.
Bên cạnh đó, cần tăng cường và nâng cao chất lượng ứng dụng thông tin trong giải quyết TTHC, cũng như trong việc theo dõi tiến độ giải quyết thủ tục và đánh giá công khai các cán bộ xử lý hồ sơ, để tăng tính minh bạch và liêm chính trong công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ…./
Gia Minh