Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), vừa có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các khó khăn trong phòng chống dịch Covid-19 tại các nhà máy chế biến thủy sản và nêu ra một số đề xuất.
Theo ông Hoè, khi các địa phương áp dụng biện pháp sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp thủy sản ở phía Nam đáp ứng đủ điều kiện; các doanh nghiệp không đáp ứng đã buộc phải ngừng sản xuất. Điều này dẫn đến hệ lụy nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, mất khách hàng và rủi ro không huy động được công nhân sau giãn cách xã hội.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp sản xuất “3 tại chỗ”, theo ông Hoè, số công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50% số lao động do quy định bắt buộc giãn cách trong sản xuất, còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương.
Việc thực hiện sản xuất giãn cách đã khiến công suất trung bình của doanh nghiệp giảm xuống chỉ còn 40-50% so với trước đây và dự tính công suất chung của cả vùng chỉ còn 30-40%. Nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến xuất khẩu cũng chỉ đạt 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài.
Ông Hoè cũng cho biết chi phí doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” tăng vọt như chi phí xét nghiệm hàng tuần, chi phí trang bị các điều kiện cho công nhân ăn ở tại chỗ, chi phí trả thêm lương công nhân ở lại nhà máy, chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc…Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho rằng, “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế. Doanh nghiệp quy mô vừa có thể duy trì 2 - 3 tuần, doanh nghiệp lớn hơn có thể kéo dài tối đa 4 - 5 tuần. Với tình hình này, dự báo xuất khẩu tôm, cá ngừ, cá ba sa… trong những tháng cuối năm khó giữ được tăng trưởng như 6 tháng đầu năm.
Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang, tỉnh hiện có 2.000 tấn tôm càng xanh đến thời kỳ thu hoạch và số lượng lớn nhuyễn thể chưa tìm được đầu ra. Khâu chế biến cũng đang đối mặt thách thức lớn khi 18/30 nhà máy sơ chế phải dừng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu sản xuất “3 tại chỗ”. Số nhà máy còn lại cũng phải cắt giảm hơn 50% số lao động, dẫn đến công suất sơ chế, chế biến thủy sản toàn tỉnh giảm sút đáng kể.
Về phía doanh nghiệp, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang - đơn vị sản xuất theo phương án "3 tại chỗ"- cho biết, đơn vị này phải chi hàng chục tỉ đồng để đáp ứng tiêu chí sản xuất 3 tại chỗ.
Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bà Khanh cho rằng phải chú trọng lưu thông thủy sản bằng đường thủy nhiều hơn. Về phía các địa phương, cần tính toán kỹ trước khi ban hành các chính sách siết chặt hoạt động của doanh nghiệp. Các vùng nguyên liệu không có đầu ra khiến giá bán sụt giảm, người nuôi thiệt hại kinh tế, về lâu dài ảnh hưởng đến việc ổn định sản lượng nguyên liệu.
Cùng với đó, cần có sự thống nhất về việc kiểm soát dịch tại các chốt ở các địa phương. Bộ Y tế sớm có hướng dẫn kiểm soát dịch bệnh đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine theo hướng tạo thuận lợi hơn, ví dụ kéo dài thời hạn giấy xét nghiệm Covid-19 so với người chưa tiêm.
Theo VASEP, chống dịch là ưu tiên hàng đầu hiện nay nhưng vẫn phải duy trì sản xuất, vì vậy Chính phủ nên ưu tiên tiêm vaccine cho những lao động tại các nhà máy đang áp dụng “3 tại chỗ”. Tới đây và trong dài hạn, ngành thủy sản phải có kịch bản sống chung với đại dịch một cách chủ động và chiến lược phát triển, phục hồi sản xuất. Trong cách tiếp cận này, cần có bộ quy tắc, hướng dẫn thực hiện “y tế tại chỗ”. Doanh nghiệp sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động 2 lần/tháng, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông, giao dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) cũng sẽ tổ chức xét nghiệm cho doanh nghiệp 1 lần/tháng. Như vậy, sẽ bảo đảm mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần/tháng.
VASEP cũng đề xuất Bộ Y tế có hướng dẫn xử lý kịp thời đối với các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” khi phát hiện F0 sao cho hiệu quả và phù hợp nhằm giảm tổn thất cho doanh nghiệp và sinh kế cho công nhân nhưng vẫn bảo đảm an toàn dịch bệnh cho nhà máy. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ cho công nhân, người lao động khó khăn và doanh nghiệp như giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện ít nhất đến hết năm 2021, giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1%.
PV