Thông tư 01 quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 có hiệu lực ngày 13/3/2020.
Đến nay đã tròn 1 năm triển khai các gói hỗ trợ ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, đã có hàng vạn doanh nghiệp trên cả nước được giãn nợ theo Thông tư 01, thời gian trả nợ cũng được kéo dài. Nhờ vậy, áp lực nợ cũng giảm đi.
Cùng với đó là lãi suất, các loại phí giao dịch cũng được giảm cho người dân và doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tính đến ngày 22/2 đã có khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ trên 366.000 tỷ đồng được giãn, hoãn trả nợ. Hơn 600.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng cũng đã được miễn, giảm lãi suất.
Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho khách hàng vay mới với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5%-2,5% so với trước dịch. Hai đợt miễn giảm phí dịch vụ thanh toán năm 2020 có giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo quy định Thông tư 01 có hiệu lực trong vòng một năm, tức là đến ngày 13/3 vừa qua đã hết thời hạn áp dụng. Đáng nói là trong giai đoạn hiện nay, nỗi lo về nợ xấu đang ngày càng gia tăng, thực tế này đang khiến ngân hàng và doanh nghiệp đồng cảnh thấp thỏm chờ đợi văn bản sửa đổi từ các cơ quan chức năng. Có tới hàng vạn doanh nghiệp chờ đợi sửa đổi Thông tư 01 để tiếp tục được hỗ trợ tín dụng vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 còn có những diễn phức tạp không thể lường trước.
Lãnh đạo các ngân hàng đều cho rằng việc sửa đổi Thông tư 01 sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đang gặp phải.
Được biết, dự thảo sửa đổi Thông tư 01 đã được Ngân hàng Nhà nước xây dựng, lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan trong suốt mấy tháng qua nhưng vẫn chưa thể ban hành mới do còn một số vướng mắc cơ chế.
Thực tế, có ngân hàng đã tạm ngưng triển khai Thông tư 01 do lo ngại rủi ro. Còn doanh nghiệp cũng lo lắng bởi nếu nhà băng không hỗ trợ vì lý do Thông tư chưa được gia hạn thì nhiều khả năng họ sẽ bị liệt vào danh sách nợ quá hạn, điểm tín dụng xấu và không thể tiếp tục vay vốn.
Thông tin với báo giới, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, mới đây, cơ quan này đã có báo cáo góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Báo cáo này nêu rõ việc sửa đổi Thông tư 01 rất cần thiết, giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các tổ chức tín dụng đang gặp phải.
Đáng chú ý, với quy định về “Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ...” tại Điểm b Khoản 3 Điều 4, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên bởi lẽ thực hiện theo Thông tư sửa đổi thì các khoản vay trung, dài hạn sẽ tạo áp lực cho khách hàng, khi các kỳ hạn chưa trả trước đó sau khi cơ cấu sẽ phải phân kỳ trả nợ trong vòng 12 tháng tiếp theo.
“Điều này dẫn đến khách hàng khó có khả năng trả nợ đúng hạn vì cho dù hết dịch bệnh thì khách hàng cần phải có thời gian khá dài để phục hồi. Hơn nữa, rất khó khăn cho tổ chức tín dụng theo dõi, thực hiện theo Thông tư sửa đổi và Thông tư 01 đang áp dụng” - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định.
Cũng theo Hiệp hội Ngân hàng, với việc cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, các tổ chức tín dụng chịu áp lực và gặp nhiều khó khăn trong việc phải loại dự thu đối với những khoản nợ cơ cấu, sắp tới các tổ chức tín dụng còn phải trích lập dự phòng rủi ro trong thời gian 3 năm. Như vậy, thực chất các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đã làm tăng tài sản không sinh lời, đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận, thậm chí một số tổ chức tín dụng có khả năng lỗ nếu dịch bệnh còn kéo dài.
Đại diện các ngân hàng cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu ban hành Thông tư sửa đổi đảm bảo an toàn hệ thống, đúng quy định pháp luật, tạo thuận lợi cho tổ chức tín dụng thực hiện và khách hàng có thể tiếp cận được vốn vay. Như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức tín dụng vượt qua đại dịch Covid-19.
Về định hướng sửa đổi Thông tư 01, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mục tiêu trọng tâm của ngành Ngân hàng vẫn là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.
Trên tinh thần đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ kết hợp hài hòa giữa chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng việc tiếp tục tái cơ cấu các khoản nợ còn lại đến hạn và cho phép các tổ chức tín dụng đánh giá một cách thực tế chất lượng các khoản tín dụng để có thể trích lập dự phòng rủi ro nhằm đảm bảo năng lực tài chính cũng như sự an toàn nền tài chính quốc gia trong trung hạn cũng như dài hạn.
Ngân Phương (Nguồn: TTXVN)