Hoa Kỳ và Việt Nam đang tiến tới kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện. Đây một thời điểm đầy hào hứng cho mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia và sự cam kết của Hoa Kỳ đối với một khu vực Đông Nam Á rộng lớn.
Hoa Kỳ, Việt Nam và 12 quốc gia khác lần đầu tiên tham gia Hội nghị Bộ trưởng trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) để vạch ra con đường phía trước, nơi sẽ kiến tạo những cơ hội kinh tế và thúc đẩy tính bền vững cho các nền kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Gần đây, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại phụ trách Thương mại quốc tế, kiêm Cục trưởng Thương vụ Hoa Kỳ đã dẫn đầu một phái đoàn gồm 12 công ty hoạt động trong lĩnh vực y tế của Hoa Kỳ đến Hà Nội để khích lệ việc hình thành những mối quan hệ kinh doanh mới, từ đó sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều, cùng có lợi ở cả phía Hoa Kỳ và Việt Nam. Trên hết, mục tiêu của Phái đoàn là tăng cường sự hợp tác và liên kết ở một lĩnh vực thiết yếu đối với tất cả mọi người: chăm sóc sức khỏe.
Phái đoàn thương mại này được thiết kế để hỗ trợ Việt Nam giải quyết các nhu cầu trong lĩnh vực y tế, bao gồm hiện đại hóa và trang bị cho mạng lưới bệnh viện công/tư của Việt Nam, cũng như các cơ sở y tế và nghiên cứu. Phái đoàn cũng tìm cách hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường quản lý các quy định trong lĩnh vực y tế và chuyển đổi kỹ thuật số dựa trên các thông lệ quốc tế tốt nhất. Những cải cách này sẽ dẫn đến một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe an toàn, hiệu quả hơn cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, tầng lớp trung lưu gia tăng và ngày càng nâng cao nhu cầu về hạ tầng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, các công ty Hoa Kỳ tham gia Phái đoàn thương mại có thể đáp ứng nhu cầu này bằng cách cung cấp các giải pháp y tế sáng tạo trong các lĩnh vực như y tế kỹ thuật số, khám chữa bệnh từ xa, hệ thống và hạ tầng bệnh viện, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, chẩn đoán trong ống nghiệm, tim mạch và giải trình tự gen cho y học chính xác. Nhiều giải pháp trong số này có thể làm giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc và điều trị ngoại trú, do đó góp phần làm giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, cứu chữa và kéo dài cuộc sống cho người bệnh.
Dựa trên kinh nghiệm tại các thị trường trên toàn thế giới, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng có khả năng hỗ trợ Việt Nam phát triển hơn nữa hệ thống quản lý y tế của mình. Ví dụ, trong những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành các nghị định để tăng cường giám sát đối với lĩnh vực thiết bị y tế. Khi những nỗ lực này tiến triển, việc tiếp tục duy trì sự minh bạch với các bên liên quan trong lĩnh vực y tế của Hoa Kỳ là rất quan trọng để hưởng lợi từ những kinh nghiệm đã được đúc rút trong ngành tại các thị trường khác.
P.V