Doanh nghiệp cần tìm cơ hội, nắm bắt xu thế phát triển của kinh tế số

23:55 08/11/2021

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, trong bức tranh kinh tế của Việt Nam sau đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, bên cạnh những điểm sáng đã xuất hiện những chỉ số đáng lo ngại phản ánh sự tổn thương và sức chống chịu đang yếu dần. Ông Trần Đình Thiên cũng chỉ ra nhiều giải pháp đang được nỗ lực triển khai để đưa kinh tế Việt Nam “thoát” khỏi đại dịch, cộng đồng doanh nghiệp sớm phục hồi tăng trưởng.

PGS.TS. Trần Đình Thiên  - chuyên gia kinh tế
PGS.TS. Trần Đình Thiên - chuyên gia kinh tế.

Thực lực của doanh nghiệp yếu đi sau đợt dịch thứ tư

Theo ông Thiên, tác động tiêu cực của đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư là rất mạnh, rất nghiêm trọng. Nền kinh tế đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, ví dụ như hạ tầng vẫn thiếu, đầu tư công thì chậm và hiệu quả chưa cao… Đáng quan ngại hơn là cơ chế của chúng ta vẫn còn những nút “thắt”. Cần có cơ chế mở hơn cho các cực tăng trưởng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, cơ chế ngân sách cho những cực phát triển này cần phải được nới ra để phát triển tốt hơn.

Những năm gần đây vĩ mô ổn định, mục tiêu tăng trưởng đặt ra đã thể hiện tầm nhìn về một mô hình tăng trưởng chín chắn hơn, thể hiện rõ quan điểm lấy ổn định vĩ mô làm trọng chứ không chạy theo thành tích năm sau phải cao hơn năm trước. Tuy nhiên, ổn định vĩ mô vẫn bị đe dọa bởi nhiều yếu tố như: Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cán cân thương mại của Việt Nam, tỷ giá biến động khó lường, đầu tư hiệu quả thấp, nhiều thị trường bị chặn, nhiều chuỗi bị đứt…

Đó là chưa kể đến một tình huống rất cơ bản nhưng hiện đang ít được chú ý: Cơ chế, chính sách nào cho nền kinh tế số, nền kinh tế công nghệ cao, có tác dụng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Ta muốn chuyển nhanh sang nền kinh tế hiện đại nhưng không chỉ thiếu lực.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam tuy vẫn đạt được những kết quả đáng kể, nhưng cũng cho thấy còn nhiều vấn đề cần phải suy xét thấu đáo.

Đầu tiên, thực chất của tăng trưởng ra sao khi mà doanh nghiệp Việt trong nhiều lĩnh vực, từ du lịch, hàng không, giao thông, vận tải... đang suy yếu. Hệ lụy của động cơ tăng trưởng dựa quá nhiều, quá lâu vào khu vực FDI, vào công nghiệp gắn với xuất khẩu ngày càng rõ nét. Hai là, mặc dù nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn, nhưng với mức đóng góp khoảng hơn 10% trong GDP không thể bù đắp cho sự sụt giảm của dịch vụ, công nghiệp. Ba là, các trung tâm tăng trưởng đều đang kéo dài giãn cách vì dịch bệnh. Hàng loạt doanh nghiệp ở các tỉnh đang thực hiện giãn cách phải đóng cửa, số còn lại hoạt động cũng trong tình trạng cầm cự. Bốn là, bên cạnh những điểm sáng, trong bức tranh kinh tế đã xuất hiện những chỉ số đáng lo ngại phản ánh sự tổn thương và sức chống chịu đang yếu dần.

Tinh thần kinh doanh của doanh nhân, của doanh nghiệp Việt rất cao. Bằng chứng là một năm rưỡi qua, sau mỗi làn sóng COVID-19, doanh nghiệp luôn hào hứng nói về sự phục hồi và trở lại thị trường. Như ngành hàng không, du lịch, khi dịch lắng xuống là ào ào mở lại thị trường nội địa. Nhưng điều lo lắng là thực lực của doanh nghiệp đã yếu đi nhiều kể từ khi chịu thêm “cú đòn” của làn sóng COVID-19 lần thứ tư này.

Kinh tế số là giải pháp hữu hiệu

Để nền kinh tế và doanh nghiệp đứng dậy, theo ông Thiên, lúc này tốc độ của chiến lược vaccine sẽ quyết định tốc độ đứng dậy của nền kinh tế, quyết định tốc độ kết nối trở lại của nền kinh tế Việt Nam ra thế giới và tốc độ đưa thế giới vào Việt Nam. 

Ảnh minh họa/Nguồn ảnh VOV
Ảnh minh họa/Nguồn ảnh VOV.

Nhìn ra thế giới, những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong 6 tháng đầu năm 2021 lại chính là những nơi gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch bệnh trong năm 2020, như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ… Các cường quốc này “thoát” ra khỏi đại dịch COVID-19 không chỉ nhờ sớm thực hiện tiêm chủng diện rộng để đạt được miễn dịch cộng đồng, mà còn nhạy bén bắt đúng “mạch” phát triển của một cấu trúc kinh tế mới, đó là đi đầu về công nghệ, về chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Chính trong lúc này, bài toán về tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam không thể chỉ là làm sao đạt được mục tiêu, mà là nhận diện rõ thực trạng, làm rõ động cơ tăng trưởng mới đang chiếm bao nhiêu, có cơ hội tăng lên nhanh không hay vẫn là những động cơ đã làm nên tăng trưởng của nền kinh tế suốt 30 năm qua…

Chính phủ đã và đang mở rộng kênh tìm kiếm nguồn cung vaccine, thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước, đi cùng với đó các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất và tiếp cận vaccine.

“Về các chính sách hỗ trợ, tôi cho rằng, quan trọng là cách làm. Nguyên tắc tiếp cận của các giải pháp phải là vì nền kinh tế, vì lực lượng doanh nghiệp Việt đang cần hậu thuẫn để vươn lên chứ không phải là từng doanh nghiệp riêng lẻ” – ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ chung, cần có chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp có chuỗi sản xuất, ưu tiên doanh nghiệp đầu chuỗi vì họ biết được trong lĩnh vực, ngành hàng của mình có thể hỗ trợ vào đâu để kích hoạt được cả chuỗi. Đặc biệt, lúc này phải dành nguồn lực cho lực lượng doanh nghiệp của tương lai - những doanh nghiệp bắt nhịp nhanh vào quỹ đạo đổi mới sáng tạo của một trật tự thế giới mới. Với nguồn lực có hạn thì cần hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để hình thành các chuỗi giá trị, các trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế. Mục tiêu cuối cùng để nền kinh tế không chỉ đứng lên mà còn có được dòng máu mới năng động hơn, trẻ trung hơn, có được nguồn năng lượng mới để tạo bước đột phá.

Đặt vấn đề như vậy để nói rằng, bây giờ không phải là lúc bàn về thúc đẩy tăng trưởng một cách đơn thuần mà phải làm rõ nguyên tắc, cách thức hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ các trụ cột của nền kinh tế, để có các quyết sách thực tế, kịp thời.

Chỉ khi doanh nghiệp được hỗ trợ để tham gia vào các chuỗi sản xuất; các chuỗi sản xuất hiện hữu được hỗ trợ để duy trì, thúc đẩy kết nối với thế giới; chỉ khi các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ… được hỗ trợ để tìm kiếm cơ hội, giải pháp phát triển theo đúng xu thế phát triển của kinh tế số, thì khi đó, nền kinh tế mới thực sự đứng dậy bằng thực lực.

Khánh Anh