Điều gì làm nên một nhà sáng lập đại tài?

16:00 30/11/2021

Có gì đặc biệt ở một nhà sáng lập doanh nghiệp và khiến họ trở nên khác biệt so với phần còn lại? Họ có phải là những người có tầm nhìn, định hướng hay cái nhìn sâu sắc đến mức có thể thao túng được ngành công nghiệp và thu về hàng tỷ đô la?

Người sáng lập đặt nền móng cho doanh nghiệp
Người sáng lập đặt nền móng cho doanh nghiệp. (Ảnh: Schroders) 

Hãy điểm qua một số gương mặt nhà sáng lập nổi bật, chẳng hạn như Jeff Bezos đã thay đổi cách chúng ta mua sắm hay Elon Musk có thể khiến đồng tiền ảo tăng vọt và trở thành xu hướng toàn cầu chỉ với một dòng tweet. Mark Zuckerberg làm chao đảo các cuộc tranh luận và bầu cử trước công chúng. Cách đây không lâu, Bezos và Musk đã có cuộc chạy đua không gian theo đúng nghĩa đen. Nếu có thể tìm ra điểm khác biệt giữa các nhân vật trên và phần còn lại của chúng ta, bạn chính là nhà sáng lập đại tài tiếp theo.

Cũng chính vì lí do trên, những câu chuyện về người sáng lập luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ. Sự xuất hiện của những nhân vật hùng mạnh nắm giữ các ngành công nghiệp đặt ra hình mẫu mà hàng trăm triệu người đang cố gắng làm theo và đạt được thành công phi thường như đã kể trên. Mặc dù nhiều nhà đầu tư đã trau dồi và hoàn thiện khả năng dự đoán nhưng chỉ một vài phần trăm trên thế giới có được tố chất của một nhà sáng lập có thể thay đổi tương lai.

Trong cuốn “Amazon Unbound: Jeff Bezos and the Invention of a Global Empire”, nhà báo Brad Stone đã có lời giải thích về quá trình phát triển của Amazon cho đến khi trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày tại nước Mỹ. Lẽ dĩ nhiên, tỷ phú Bezos được lấy làm thước đo với những nhà sáng lập cùng thời. Anh đã đạt đến mức độ nổi tiếng xuyên biên giới, thường xuyên tổ chức các bữa tiệc quy mô ở Hollywood, có ảnh chân dung được treo tại Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia... Vị tỷ phú cũng phù hợp với hình ảnh kiểu mẫu một doanh nhân da trắng, được hưởng nền giáo dục tiên tiến tại đại học League và là một người có tầm nhìn xa.

Cách tiếp cận trực tiếp, bùng nổ của Bezos được hàng loạt người bắt chước, nỗi ám ảnh về năng suất đã truyền cảm hứng cho mạng lưới phân phối rộng lớn của Amazon và nâng tầm kỷ luật tại nơi làm việc, thậm chí một số người cho rằng, môi trường như vậy là quá khắc nghiệt. Nhà báo Brad Stone đã từng áp dụng cách làm của Bezos vào cuộc sống hàng ngày nhưng chẳng bao lâu mẹ cô đã phải thốt lên rằng hãy ngừng sử dụng các nguyên tắc lãnh đạo và bà không thể chịu nổi nữa.

Một tác phẩm khác là “The Cult of We: WeWork, Adam Neumann và Great Startup Delusion” của phóng viên Eliot làm việc tại tờ Wall Street Journal kể về câu chuyện của Neumann được gọi là “người khổng lồ” trong kinh doanh, một nhân vật có tầm nhìn đa chiều và vạch ra lộ trình mang tính cách mạng như Bezos. Trong bài viết mô tả Neumann có “phép thuật” biến một dự án kinh doanh tầm thường trở thành thương vụ thu mua với giá cao bất ngờ. Trên thực tế, “phép thuật” ở đây được hình thành nhờ “cả một hệ thống tin tưởng không ngừng đối với nhà sáng lập tài giỏi cũng như lợi nhuận mà họ mang lại”.

Tất nhiên, nguyên mẫu của Silicon Valley không phải là duy nhất. Trong “Tencent: Câu chuyện phi thường của một doanh nghiệp Internet Trung Quốc”, nhà báo Wu Xiaobo lập luận rằng Pony Ma, người sáng lập tập đoàn công nghệ lớn nhất nhì đất nước là một phần của thế hệ doanh nhân Trung Quốc nổi lên từ sự thay đổi sâu rộng về chính trị, kinh tế và công nghệ. Dù khá kín tiếng với truyền thông, Ma đã biến Tencent từ một công ty kết nối internet với máy nhắn tin thành “gã khổng lồ” đa ngành gồm trò chơi điện tử, thanh toán di động, thương mại điện tử, dịch vụ nhắn tin WeChat, v.v. Xiaobo đã viết: “Tencent giống như một biệt đội hành quân từ những khu vực hẻo lánh nhất đến trung tâm đất nước, phủ sóng rộng rãi khắp lãnh thổ”.

Pony Ma không nổi tiếng về hình ảnh người có tầm nhìn xa trông rộng về công nghệ mà chính sự tập trung vào các chiến lược tăng trưởng cũng như thành công bền vững đã khiến Tencent có bệ phóng vững chắc như ngày hôm nay. Theo Xiao, các nguyên tắc về tối giản hóa sản phẩm, chiến lược hướng đến người tiêu dùng, thử nghiệm nhanh không còn mới lạ nhưng có vẻ như Tencent đã thực hiện chúng tốt hơn bất kỳ đối thủ nào khác.

Liệu ta có thể dự đoán chắc chắn ai sẽ tiếp bước Bezos hay Pony Ma hay không? Đó là một trong những câu hỏi thú vị trong cuốn sách mới của Ali Tamaseb “Những người sáng lập siêu đẳng: Tiết lộ về các công ty khởi nghiệp trị giá hàng tỷ đô la”. Trong đó, tổng hợp dữ liệu về hơn 200 công ty được thành lập từ năm 2005 đến năm 2018 đạt mức định giá hơn 1 tỷ đô la, tác giả đã kiểm chứng mức độ thành công của những công ty khác nhau. Kết quả thu được như sau: Độ tuổi trung bình của những người sáng lập mà ông nghiên cứu là 34; số trường hợp đã theo học 10 trường đại học hàng đầu ở Mỹ bằng với số các trường hợp theo học trường xếp hạng dưới 100; 70% trong tổng số nhà sáng lập đã làm việc cho một công ty khác và phần lớn trong số đó từng trải nghiệm ở các doanh nghiệp lớn như Amazon, Google hoặc McKinsey; 60% trong tổng số trước đó đã thành lập công ty.

Đầu sách “The New Builders: Face to Face with True Future of Business” của nhà đầu tư mạo hiểm Seth Levine và nhà báo Elizabeth MacBride có lẽ sẽ có câu trả lời cho vấn đề trên. Các tác giả lập luận rằng trong khi các ngôi sao công nghệ thu hút sự chú ý, người đứng đầu doanh nghiệp nhỏ đặc biệt là nhà sáng lập da màu, nữ giới chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các hệ thống tài chính và cố vấn chưa phát triển do đó thời cơ khởi nghiệp và cơ hội kinh tế đang giảm sút. Không có gì sai khi chúng ta khao khát thành công. Mỗi người đều có thể học hỏi rất nhiều điều từ những câu chuyện truyền cảm hứng. Tuy nhiên đừng nhầm lẫn và mộng tưởng quá đà. Sự khác biệt làm nên kỳ tích là nhận thức rõ ràng và nền tảng cơ bản cần thiết.

Anh Đức