Tăng trưởng kinh tế vẫn đạt trên 2% trong khi hầu hết các nước trong khu vực và thế giới đều có tăng trưởng âm
Những kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước từ 2016 đến nay và cho rằng 2020 là năm gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế xã hội vẫn đạt được những kết quả nhất định như dịch bệnh được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam là nước thuộc nhóm các nước có số người mắc bệnh và chết thấp nhất nên được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.
Tăng trưởng kinh tế vẫn đạt trên 2% trong khi hầu hết các nước trong khu vực và thế giới đều có tăng trưởng âm. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%, đạt mục tiêu đề ra. Khu vực nông lâm thủy sản tiếp tục tăng trưởng cao và cao hơn năm ngoái và là trụ đỡ của nền kinh tế trong thời điểm khó khăn.
Mục tiêu tăng trưởng khó trở thành hiện thực
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) và nhiều đại biểu khác cho rằng, bất chấp những khó khăn thách thức, kinh tế - xã hội năm 2020 vẫn đạt được nhiều kết quả và có nhiều điểm sáng được ghi nhận. Tuy nhiên ông đề nghị xem xét lại một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ yếu như điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm sau cho hợp lý, vì mục tiêu 6% là khá cao trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu đã tác động đến nhiều địa phương.
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Quốc hội.
Ông đưa ra chỉ tiêu quy mô GDP bình quân đầu người 3.700 USD/người được cho là quá cao, trong khi con số này năm nay mới ước đạt 2.750 USD/người. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cũng được đại biểu cho là chưa hợp lý, vì thấp hơn so với 2019 và 9 tháng đầu năm nay.
Cơ bản thống nhất với các mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn tới, song đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng bày tỏ băn khoăn với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Bởi đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tác động tiêu cực trong năm 2021 và những năm tiếp theo, trong khi kinh tế và thương mại thế giới suy giảm, diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, thiên tai, bão lũ như vừa qua ở một số tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến kinh tế nước ta. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có các kịch bản, những phương án, giải pháp cụ thể để giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 trong điều kiện bình thường mới.
Dưới góc nhìn của mình, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng, mô hình tăng trưởng chữ V và đáy chữ V ở quý 2 thì kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi đáy suy giảm, nhưng phục hồi lại sản xuất kinh doanh hậu Covid là không dễ dàng khi mà các nguồn lực của DN đã bị bào mòn bởi tác động của đại dịch.
Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế
Đại biểu Nguyễn Như So đã kiến nghị một số giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế. Thứ nhất, xác định hỗ trợ DN là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời điểm dịch Covid diễn biến phức tạp, tập trung vào 3 giải pháp chính là: tích cực triển khai nhanh chóng, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, giảm các chi phí, giãn tối đa các khoản nghĩa vụ tập trung vào chính sách, giúp các DN tiết giảm dòng tiền, kéo dài thời gian giảm thuế thu nhập, miễn giảm phí công đoàn đến hết năm 2021. Gia tăng sức cạnh tranh của DN thông qua tháo gỡ rào cản về thể chế, chính sách. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Thứ hai, cần tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ đặc thù cho lĩnh vực nông nghiệp như xây dựng thương hiệu nông sản, xúc tiến thương mại…
Góp ý về nhiệm vụ, giải pháp phát triển tình hình kinh tế xã hội trong năm tới, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề xuất tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm những cân đối của nền kinh tế.
Đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, việc tập trung nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, cứu trợ người dân vùng bị thiệt hại bão lũ, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống để tiếp tục sản xuất kinh doanh như tái định cư nhà ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất giống và vốn cũng được đề xuất. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị đầu tư mua sắm phương tiện, máy móc, trang thiết bị dự trữ quốc gia để đáp ứng nhu cầu ứng cứu trong trường khẩn cấp.
Bảo Trinh