Dịch Covid-19 khiến lượng tồn kho bất động sản tăng cao tạo gánh nặng cho doanh nghiệp

19:07 06/03/2021

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn kho khoảng gần 9.000 căn.

(Ảnh: Internet)

Báo cáo tình hình tồn kho bất động sản của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến hết quý I/2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch ước tính vào khoảng gần 13.000 căn. Trong quý II và quý III/2020, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cũng như các khó khăn vướng mắc của cơ chế, chính sách…, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư dự án, tiến độ triển khai các dự án, do đó nguồn cung bất động sản trong giai đoạn này không có sự gia tăng đáng kể.

Mặt khác, trong thời gian này, thị trường bất động sản vẫn là kênh đầu tư thu hút vốn tốt, được cho là an toàn và lượng giao dịch vẫn khá tốt, vì vậy số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch tính đến hết quý III/2020 ước tính vào khoảng gần 6.000 căn.

Sang quý IV/2020, thị trường được bổ sung thêm ước tính khoảng gần 30.000 căn; đồng thời lượng giao dịch trong quý IV vẫn khá ổn định. Do đó, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch riêng trong quý IV/2020 ước tính khoảng gần 3.000 căn.

Lũy kế đến cuối năm 2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch trong năm 2020 ước tính vào khoảng gần 9.000 căn. Trong đó, các khu vực có số lượng bất động sản đưa ra thị trường chưa được hấp thụ nhiều chủ yếu là các địa phương chịu nhiều tác động ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Dương...

Các tỉnh/thành phố, đô thị lớn, tập trung như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và các địa phương đang có tốc độ đô thị hóa mạnh như Cần thơ, Long An, Đồng Nai cơ bản vẫn giữ được phát triển ổn định của thị trường bất động sản, lượng nhà ở đưa ra thị trường chưa được hấp thụ ở mức vừa phải.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Hàng tồn kho nằm trong nhóm dự án vướng mắc về pháp lý, bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay ngày càng lớn cho doanh nghiệp.

Mặc dù lượng hàng tồn kho còn khá lớn, xong ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, kỳ vọng rằng năm 2021, khi năng lực chủ đầu tư được cải tổ, tình hình tài chính doanh nghiệp tốt lên, các vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ cùng với việc chính quyền mới đi vào hoạt động sẽ đẩy nhanh tốc độ các dự án, tạo ra một nguồn cung dồi dào hơn cho thị trường trong năm 2021.

 PV