Dự thảo Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp, cấp lại giấy phép môi rường do cơ quan trung ương thực hiện.
Dự thảo nêu rõ, tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương thực hiện thẩm định cấp giấy phép môi trường là người nộp phí theo quy định tại dự thảo Thông tư này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan nhà nước ở trung ương được giao thực hiện thẩm định cấp giấy phép môi trường là tổ chức thu phí theo quy định tại dự thảo Thông tư này.
Mức thu phí thẩm định cấp, cấp lại giấy phép môi trường do cơ quan trung ương thực hiện được quy định tại Biểu mức thu phí thẩm định cấp giấy phép môi trường ban hành kèm theo dự thảo Thông tư này.
Cụ thể: Phí cấp giấy phép môi trường đối với các dự án/cơ sở thuộc nhóm I và nhóm II thuộc thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (trừ một số dự án/cơ sở quy định tại điểm 2 và điểm 3 thông tư này) là 50 triệu đồng/giấy phép/dự án/cơ sở Nhóm I; 45 triệu đồng/giấy phép/dự án/cơ sở Nhóm II.
Mức phí nêu trên tính theo lần thẩm định cấp/cấp lại giấy phép môi trường. Mức phí không bao gồm chi phí đi lại của đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở và chi phí lấy mẫu, phân tích mẫu chất thải theo quy định.
Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được trích lại 90% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; nộp 10% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Theo TCHQ