Bài liên quan |
Thanh toán Online và cuộc chiến chống gian lận |
Cụ thể, NHNN đề xuất rằng tổng thời gian gián đoạn cung ứng toàn bộ dịch vụ thanh toán, bao gồm dịch vụ trung gian thanh toán như ví điện tử, cổng thanh toán, nền tảng tài chính số, không được vượt quá 4 giờ mỗi năm. Đối với từng lần gián đoạn, thời gian tối đa không vượt quá 30 phút, ngoại trừ các trường hợp bất khả kháng hoặc trong quá trình bảo trì, nâng cấp hệ thống đã được thông báo trước ít nhất 3 ngày.
Trường hợp dịch vụ bị gián đoạn vượt quá thời hạn 30 phút, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và trung gian thanh toán bắt buộc phải báo cáo NHNN trong vòng 4 giờ kể từ thời điểm xảy ra sự cố. Đồng thời, trong vòng 3 ngày làm việc sau khi khắc phục xong, đơn vị phải gửi báo cáo chi tiết về nguyên nhân, phương án xử lý và biện pháp phòng ngừa.
![]() |
Đề xuất giới hạn thời gian gián đoạn dịch vụ thanh toán online không quá 30 phút/lần |
Dự thảo cũng quy định rõ: mọi kế hoạch bảo trì, tạm ngừng dịch vụ ngoài kế hoạch cần được thông báo công khai ít nhất 24 giờ trước thời điểm triển khai. Đây là yêu cầu áp dụng đối với tất cả ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, các đơn vị trung gian thanh toán và tổ chức tài chính số – những chủ thể giữ vai trò quan trọng trong hạ tầng thanh toán hiện nay.
Theo NHNN, trong thời gian qua, nhiều người dân phản ánh về tình trạng gián đoạn dịch vụ thanh toán online, đặc biệt vào các dịp cao điểm như lễ Tết. Không ít trường hợp người dùng không thể đăng nhập ứng dụng ngân hàng, không quét được mã QR thanh toán, hoặc xảy ra sự cố “treo giao dịch” – tiền đã bị trừ khỏi tài khoản nhưng bên nhận không nhận được. Đáng lưu ý, nhiều tổ chức không có thông báo kịp thời, thiếu minh bạch trong việc bảo trì hoặc xử lý sự cố chậm trễ, gây bức xúc cho khách hàng.
Việc bổ sung quy định giới hạn thời gian gián đoạn được NHNN đánh giá là cần thiết, không chỉ để tăng cường minh bạch và trách nhiệm trong cung ứng dịch vụ mà còn bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh thanh toán số ngày càng phổ biến.
Thực tế, nhiều quốc gia đã áp dụng các tiêu chuẩn rất chặt chẽ đối với dịch vụ thanh toán trực tuyến. Chẳng hạn, Singapore và Trung Quốc quy định tổng thời gian gián đoạn tối đa là 4 giờ/năm. Một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) còn khắt khe hơn, yêu cầu thời gian gián đoạn không vượt quá 15 phút mỗi lần, đồng thời buộc tổ chức tài chính phải có hệ thống dự phòng, kế hoạch ứng phó và kiểm tra định kỳ. Nếu vi phạm, các tổ chức có thể bị xử phạt tài chính hoặc thu hồi giấy phép hoạt động.
Ngoài quy định về thời gian gián đoạn, Dự thảo Thông tư còn bổ sung các biện pháp siết chặt quản lý đối với dịch vụ thu hộ, chi hộ qua doanh nghiệp bưu chính công ích.
Cụ thể, các đơn vị như VNPost, Viettel Post… sẽ phải ký hợp đồng rõ ràng với khách hàng, trong đó bao gồm các điều khoản tối thiểu như thời hạn xử lý, trách nhiệm bồi thường, địa điểm giao dịch và mức phí. Nhân viên bưu chính khi thực hiện giao dịch tài chính phải kiểm tra chứng từ hợp pháp, yêu cầu khách hàng xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc văn bản ủy quyền, nhằm đảm bảo xác minh chính xác thông tin người sử dụng dịch vụ.
Đáng chú ý, mọi giao dịch thu – chi qua hệ thống bưu chính phải được xử lý hoàn tất trong vòng một ngày làm việc, bảo đảm tiến độ, tăng cường minh bạch và an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ tài chính ngoài hệ thống ngân hàng.
Với những nội dung được đề xuất trong Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 15, NHNN thể hiện quyết tâm nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán số, bảo đảm sự ổn định, minh bạch và an toàn của hệ thống tài chính quốc gia trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.