Để đầu tư vừa an toàn, vừa hiệu quả

08:44 04/11/2022

Gần 3 năm qua, đại dịch Covid-19 hành hoành tại nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như Việt Nam, khiến nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn và hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ hoặc thu hẹp. Nhiều người lao động, gia đình trung lưu và bình dân bị ảnh hưởng khá nặng nề về sinh kế và thu nhập. Đầu tư gì để vừa an toàn, vừa hiệu quả đang là vấn đề nóng được nhiều người dân quan tâm…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Các kênh đầu tư Bất động sản, Vàng và Chứng khoán đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng:

Thứ nhất, bất động sản là lĩnh vực đầu tư vừa đại chúng, dễ làm, lại vừa kén chọn nhà đầu tư:
“Đại chúng” vì hầu như người dân nào cũng có thông tin ít nhiều về nhà đất nên có thể tham gia các khâu từ môi giới trung gian đến bỏ vốn mua các sản phẩm bất động sản khác nhau để chờ cơ hội tăng giá bán lại thu lời nếu muốn lướt sóng; để cho thuê lấy tiền tiêu hàng tháng hoặc để tích trữ tài sản lâu dài cho con cháu.
“Dễ làm” vì về xu hướng dài hạn, bất động sản đều tăng giá, nhất là đất nền và đất tỉnh lẻ, do lạm phát và do mất cân đối cung-cầu, như các cụ nói “người ngày càng tăng, còn đất mãi chỉ có vậy, không đẻ thêm được”.
“Kén chọn nhà đầu tư” cả về độ nặng túi tiền và độ sâu kiến thức, vì bất động sản là mặt hàng không phải ai cũng mua được khi không đủ tiền trả một lần kiểu mua đứt bán đoạn. Còn trả góp thì người mua dễ bị rơi vào bẫy thanh khoản, chịu thiệt hại bổ sung do lãi suất vay trả góp và rủi ro gắn với đứt đoạn dòng tiền thu nhập kỳ vọng, dẫn đến trục trặc thanh toán theo kỳ hạn và thậm chí có thể mất số tiền đã đóng trước đó theo hợp đồng trả góp...
Ngoài ra, nhà đầu tư thiếu kiến thức cũng gặp rủi ro trong đầu tư bất động sản gắn với sự lừa đảo khi góp vốn đầu tư với chủ đầu tư dự án hoặc bị rủi ro về tiến độ giao nhà theo cam kết của chủ đầu tư; hoặc tình trạng không đủ thủ tục pháp lý đăng ký và chuyển dịch quyền sở hữu, đặc biệt là tình trạng giả mạo và thiếu hoặc không thể làm được sổ đỏ, sổ hồng; nhà có tranh chấp, đã cầm cố và cả bị bán cùng lúc cho nhiều người.
Thực tế còn cho thấy, việc mua bất động sản với giá cao do bị thổi giá hoặc lúc cơn sốt bất động sản đạt đỉnh sẽ khiến người mua khó, không thể bán lại hoặc bị bán lỗ nặng có thể tới 50% giá mua. Rủi ro càng cao và thành rủi ro kép nếu người mua đi vay tiền nóng, lãi suất cao để đầu tư...
Ngoài ra, đầu tư BĐS còn đòi hỏi có kiến thức phong thủy, văn hóa, xã hội và khả năng phân tích thị trường nói chung để tránh trường hợp bị rủi ro bán dưới giá mua hoặc phải “bỏ cọc” vì mua nhà “phạm phong thủy” (méo mó, thót hậu, bị mắc các thế lỗi trực đao v.v…); mua-bán sai thời điểm và giá dự báo sai về xu hướng giá bất động sản do biến động kinh tế và thị trường mạnh.
Thứ hai, vàng dễ mua. dễ bán, dễ tính toán lợi nhuận và bảo toàn giá trị, nhưng cũng dễ gặp không ít rủi ro cả trong cất trữ, cũng như trong đầu tư.
Vàng đã, đang và sẽ tiếp tục được mặc định là đồng tiền quốc tế được ưa chuộng ở hầu hết các quốc gia. Cất giữ vàng giúp người sở hữu an tâm với lạm phát cả trong nước và quốc tế. Đầu tư vàng không phải là đặc quyền của người giàu hay kén chọn và chê người nghèo, vì có thể mua bán vàng từ cả trăm cây vàng đến thậm chí 1 chỉ, kiểu tích tiểu thành đại, được cả người trung lưu và bình dân ưa chuộng.
Tuy nhiên, nếu trữ vàng quá lâu sẽ có nguy cơ mất giá tương đối so với nhà đất trước xu hướng tăng giá nhanh nhà đất so với giá vàng. Ví dụ, những năm 1980 có 1 cây vàng là mua được cả một căn nhà chung cư vài chục m2…; nhưng hiên nay 1 cây vàng giữ từ hồi đó có khi chỉ mua được 1 m2 nhà chung cư mà thôi.
Sự rủi ro trong đầu tư vàng còn ở chỗ mua phải vàng giả, vàng kém chất lượng, vàng bị cân thiếu khối lượng, đặc biệt dễ bị lừa đảo trắng tay khi tham gia đầu tư vàng kiểu kinh doanh đa cấp hay trên sàn vàng ảo.
Thứ ba, thị trường chứng khoán là kênh đầu tư mới, hiện đại và khá hấp dẫn vì cho phép làm giàu nhanh, nhưng cũng gây rủi ro phá sản nhanh nhất.
Là kênh đầu tư thời thượng và quý tộc, TTCK không phải sân chơi giành cho người nghiệp dư, những tay mơ và cả những người yếu tim theo cả nghĩa đen và nghĩ bóng của từ này.
Sự hấp dẫn của TTCK là ở chỗ cho phép “sáng gieo, chiều gặt”, thu nhận kết quả đầu tư cực kỳ nhanh chóng và hấp dẫn khi “trúng quả”, mua được lô chứng khoán đang lên giá hoặc bắt trúng đáy và cắt lỗ đúng lúc mã chứng khoán đang mất giá.
Hơn nữa, thị trường chứng khoán cho phép nhà đầu tư có vốn dầy hay mỏng đều tham gia được, với danh mục rộng hàng nghìn mã chứng khoán tha hồ lựa chọn và được phép sử dụng các công cụ hỗ trợ hay đòn bẩy tài chính, thậm chí có thể liều mạng “vay nóng” để “đánh nhanh, thắng nhanh và rút nhanh”…!
Song rủi ro cao nhất và “bẫy chết người” của đầu tư chứng khoán là vấn đề thông tin và lòng tin, cùng tâm lý bầy đàn, hành xử kiểu đám đông.
Rủi ro đến tức thì khi nhà đầu tư nắm sai, không có thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ về mã chứng khoán mà mình giao dịch, mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng không có tài sản hay cơ chế bảo đảm; tệ hơn là người đầu tư chứng khoán bị nhà phát hành chứng khoán là lãnh đạo công ty, tập đoàn cố tình lừa đảo bán trái phiếu doanh nghiệp mà không công bố thông tin (như vụ ông Trịnh Văn Quyết FLC bán chui 75 triệu cổ phiếu mình sở hữu), hay dùng tiền không đúng mục tiêu huy động qua phát hành trái phiếu như công bố (vụ lãnh đạo Tân Hoàng Minh hiện nay).
Đã có nhiều bi kịch xảy ra khi nhà đầu tư dốc tiền “đánh tất tay” một vài mã chứng khoán và chúng bị giảm giá đột ngột tới 40-90% chỉ trong một thời gian ngắn khiến họ không kịp cắt lỗ cả do “trục trặc kỹ thuật” và do thiếu tính thanh khoản trên TTCK. Bi kịch nặng nề hơn và trở thành rủi ro kép khi nhà đầu tư vay nóng với lãi vay cao trên thị trường tín dụng đen hoặc dốc vốn tiết kiệm dưỡng già để “chơi” chứng khoán.
Rủi ro còn cao hơn nếu nhà đầu tư bị cuốn theo trò chơi tạo sóng và lướt sóng dưới bàn tay đạo diễn của các tay to, cá mập chuyên thao túng thị trường.
Đặc biệt, việc đầu tư cổ phiếu hay trái phiếu doanh nghiêp trên TTCK thì nhà đầu tư cũng đều gánh chịu rủi ro, thậm chí mắt trắng tiền đầu tư khi DN đó phá sản…
Tóm lại, mọi kênh đầu tư dù là BĐS, vàng hay chứng khoán đều có ưu, nhược điểm đặc thù và đa dạng; Những người tham gia vào 3 kênh đầu tư này cần tìm hiểu kỹ thông tin cũng như có kiến thức bởi thực tế cho thấy rất nhiều gia đình lâm vào tình trạng vỡ nợ, khuynh gia bại sản vì tâm lý đầu tư cảm tính theo đám đông.
Ngoài ra, thực tế cho thấy, bất kỳ thời điểm nào, một cá nhân hay gia đình đều cần phải tích lũy tài chính.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tiết kiệm đều đặn giúp bạn sống an toàn về tài chính, phòng tránh, giảm thiểu hoặc thích ứng tốt với những rủi ro từ cuộc sống thường ngày. Trong giai đoạn khó khăn vì đại dịch thì càng cần phải tích lũy tài chính nhiều hơn, bởi rủi ro rình rập và ập tới bất kỳ lúc nào, trong khi sự trợ giúp từ người thân hay xã hội lại bị eo hẹp hơn so với khi không có đại dịch.

Trong đại dịch, có việc để làm, có sức khỏe và có tiền dôi dư, dù là ít ỏi thì ta cũng đã thuộc nhóm những người rất may mắn. Vài trăm nghìn hay vài triệu tiêu quá tay là hết, nhưng khi cần thì đi vay mới thấy khó và thẫy rõ giá trị của những khoản tiền dự phòng. Không ai cấm ta mua 1 hay nửa chỉ vàng, cũng không ngân hàng nào từ chối cho người dân gửi tiết kiệm 1 triệu – 5 triệu. Tôi đã từng được nhân viên một ngân hàng năn nỉ mở sổ tiết kiệm mới, dù chỉ là 500 nghìn đồng, để họ có doanh thu báo cáo thành tích phát triển khách hàng với sếp.
Khi bị suy giảm thu nhập, bạn nên có kế hoạch cụ thể và nghiêm khắc về cắt giảm tiêu dùng không thiết yếu; trì hoãn những cám dỗ nhất thời, kiểm soát nghiện mua sắm hoặc lạm dụng mua sắm như một cách giải tỏa căng thẳng, không mải miết chạy theo những món đồ công nghệ đời mới nhất như điện thoại iPhone, Apple watch vì cứ 6 tháng chúng giảm giá 50%...
Về nguyên tắc, bạn nên chia thu nhập cá nhân của mình làm 3 phần chi, gồm:
- Chi cho các yêu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày;
- Chi cho các nhu cầu vui chơi, giải trí, học tập
- Chi đầu tư tích lũy
Tỷ lệ của các khoản chi tiêu, thu nhập, cũng như nhu cầu của mỗi người là khác nhau, cho nên bạn cần linh hoạt, cân chỉnh các con số sao cho phù hợp với bản thân nhất. Để quyết định tỷ lệ tối ưu, bạn có thể tham khảo bạn bè và đừng ngại xin lời khuyên quản lý tài chính cá nhân từ chuyên gia tài chính và những người thành công…
Đặc biệt, để chi tiêu hiệu quả trong bối cảnh suy giảm thu nhập vì đại dịch, bạn nên chủ động và tích cực sử dụng các mẹo mua hàng tiết kiệm, như mua hàng theo nhóm) theo giá sỉ, chỉ bằng 50-70% giá gốc; săn hàng giá sale và tham gia các chương trình khuyến mãi, giảm giá của siêu thị hay cửa hàng mà bạn có nhu cầu mua.
Đồng thời, bạn cũng cần nhận diện và tránh xa những rủi ro mất tiền do lạm phát; “hám lời”, tham gia những dự án lừa đảo; đầu tư các kênh dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp; vay nợ với lãi suất quá cao, đặc biệt là chủ động phòng ngừa rủi ro gắn với bệnh tật, tai nạn hoặc tử vong.
Do vậy, ngay từ khi còn trẻ, bắt đầu đi làm, người trẻ cần nghĩ tới việc tích lũy tài chính để phòng khi rủi ro, đau ốm, bệnh tật và quỹ dự phòng tài chính cho tuổi già. Tạo lập quỹ dự phòng tài chính càng sớm thì các bạn trẻ càng có nhiều thời gian và tiền bạc để làm những điều mình thích và trải nghiệm cuộc sống mà họ mong muốn…

TS.Nguyễn Minh Phong