Thứ bảy 10/05/2025 17:52
Hotline: 024.355.63.010
Kinh doanh

Đề án 844 “kết duyên” hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo

12/10/2020 00:00
Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Đề án 844) đã và đang “kết duyên” cho các thành phần thuộc hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với những hoạt động bài bản, phong phú...

Những kết quả ban đầu của đề án đã cho thấy giá trị và sức lan tỏa của chính sách, cũng như sự phối hợp hiệu quả của Ban quản lý Đề án 844với các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp uy tín trên cả nước. Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN xung quanh vấn đề này.

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN

Là một trong những Đề án đầu tiên được Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp, xin ông cho biết, đến nay Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã đạt được những kết quả nổi bật gì?

Ông Phạm Hồng Quất: Sau 3 năm nỗ lực triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Đề án 844) (kể từ năm 2016), với triết lý kêu gọi, hỗ trợ các tổ chức trung gian có năng lực thực hiện các hoạt động phát triển hệ sinh thái, các nội dung đã và đang được đơn vị thực hiện dựa trên các trụ cột: hoàn thiện hành lang pháp lý, đào tạo nâng cao năng lực, tăng cường liên kết và truyền thông hình thành văn hóa. Kết quả của việc triển khai Đề án 844 và gián tiếp là kết quả của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, được sự công nhận của cộng đồng.

Thời gian qua, Đề án 844 đã hỗ trợ kinh phí cho hơn 60 dự án do gần 40 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam thực hiện. Các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực đã được triển khai rộng khắp với hầu hết các chủ thể của hệ sinh thái, trong đó đặc biệt là đối với các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều kết quả hỗ trợ startup gọi vốn nổi bật đến từ các chương trình có sự hỗ trợ của Đề án 844, có thể kể đến như Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) đã kết nối để gọi được 37 tỷ đồng cho startup thông qua chương trình Startup Day, Công ty CP Việt Nam Silicon Valley Accelerator hỗ trợ startups gọi được gần 42 tỷ đồng thông qua các chương trình thúc đẩy của mình,.. Đến nay đã có 34 địa phương có kế hoạch ban hành triển khai Đề án 844, trong đó ngoài Hà Nội, Tp HCM, Đà Nẵng là những địa phương có HST KNST phát triển thì một số nơi khác có cách tiếp cận sáng tạo và hiệu quả như Quảng Nam, Vũng Tàu, Nghệ An,…

Đặc biệt, Đề án 844 đã tích cực đề xuất, phối hợp với các cơ quan chức năng hình thành những hành lang pháp lý đặc thù đầu tiên cho cả hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và hoạt động đầu tư, hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo, ví dụ như Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017), Luật Chuyển giao Công nghệ 2017 và các văn bản hướng dẫn liên quan về việc đăng ký, thành lập, hoạt động, ưu đãi thuế của quỹ đầu tư cho KNST, quy định về các hoạt động hỗ trợ từ phía nhà nước cho doanh nghiệp KNST, ... Đề án 844 cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp đột phá nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút nguồn lực đầu tư trong nước, quốc tế cho KNST, như các cơ chế thử nghiệm chính sách, mô hình gọi vốn cộng đồng, cơ chế mua sắm công.

Qua quá trình triển khai Đề án 844, ông đánh giá thế nào về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam?

Ông Phạm Hồng Quất: Chất lượng doanh nghiệp KNST đang có sự cải thiện rõ rệt, mà cụ thể được minh chứng bằng số lượng vốn đầu tư liên tục tăng từ năm 2016 tới nay, đặc biệt năm 2018 đã thu hút tới 890 triệu đô-la Mỹ, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2017. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo lớn trên thế giới đều lần lượt tham gia hoặc đang nghiên cứu để tham gia vào thị trường Việt Nam như Uber, Grab, Amazon, Go-jek, ..., dẫn đến đổi mới về dịch vụ của các doanh nghiệp truyền thống, sự ra đời của các sản phẩm nội địa cạnh tranh, thậm chí, sinh ra những sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn mới phù hợp với văn hóa bản địa. Cùng với đó, làn sóng đầu tư vào thị trường KNST Việt Nam đang có xu hướng tăng, đặc biệt từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ.

Sự phát triển này cho thấy, không chỉ bản thân startup Việt Nam, mà hệ sinh thái, môi trường khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đang có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ trong khu vực và trên thế giới. Có thể nêu lên thêm một số kết quả điển hình minh chứng cho sự phát triển tốt của HST KNST Việt Nam, đó là Việt Nam đã có thương vụ IPO đầu tiên của Yeah1 (năm 2018), những thương vụ gọi vốn lớn hàng chục triệu đô như của Topica Edtech (nhận đầu tư 50 triệu USD từ Quỹ đầu tư Northstar Group tại Singapore), Sàn thương mại điện tử Sendo (nhận đầu tư 51 triệu USD từ 8 nhà đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và các nước khác trong khu vực Châu Á),…Việt Nam cũng có “kỳ lân” đầu tiên là Công ty VNG. Ngày càng nhiều các tổ chức quốc tế mà đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài như CyberAgent, 500 Startups, Golden Gate Ventures, … mở văn phòng đại diện hoặc có đối tác tại Việt Nam. Ngay cả trong quy mô của các sự kiện về KNST như TECHFEST VIETNAM 2018 cũng đã có sự tham gia của hơn 20 quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là có sự tham dự của đại diện của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Bộ Khoa học & Công nghệ đi thăm các gian hàng tại Techfest 2018

Xin ông cho biết điểm mạnh và hạn chế của startup Việt?

Ông Phạm Hồng Quất: Một vài doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã chứng minh được khả năng của mình trên thị trường quốc tế như Momo, Tiki,…Điểm mạnh của các startup này là doanh nghiệp trẻ, năng động, ham học hỏi tìm tòi, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp có sự tham gia của nhân lực quốc tế, hoặc người Việt Nam du học trở về, do đó mà hiểu biết thị trường quốc tế và có vốn ngoại ngữ tốt. Đồng thời, do đặc thù của thị trường các quốc gia phát triển như Việt Nam, các startup có nhiều cơ hội để quan sát, khám phá ra được nhiều vấn đề của thị trường để khởi nghiệp.

Tuy nhiên, các startups Việt vẫn còn tồn tại những điểm yếu cơ bản như đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có nền tảng công nghệ hay lõi công nghệ thực sự tốt. Xét về góc độ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, do chưa có văn hóa khởi nghiệp sáng tạo theo chiều sâu, dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam chưa có tư duy đào sâu vào các vấn đề còn tồn tại trong thị trường để cải tiến sản phẩm, cùng với đó là thiếu khả năng quản trị doanh nghiệp, thiếu tư duy toàn cầu, dẫn đến khó phát triển các mô hình có khả năng tăng trưởng cao, doanh nghiệp khởi nghiệp “kỳ lân”, doanh nghiệp có khả năng vươn ra thế giới.

Ông có thể giới thiệu về những startup Việt, những doanh nghiệp tiêu biểu thành công qua Đề án 844?

Ông Phạm Hồng Quất: Thông qua các chương trình và sự kiện trong khuôn khổ Đề án 844, đặc biệt là Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - TECHFEST VIETNAM các năm, rất nhiều startups đạt được những thành tựu đáng chú ý, tiêu biểu như doanh nghiệp tối ưu hóa logistics Abivin – Quán quân TECHFEST 2018 – chiến thắng Asean Rice Bowl Startup Award năm 2019 , doanh nghiệp sản xuất chân tay giả Vulcan Augmetics - Top 10 TECHFEST 2018 – chiến thắng Blue Venture Award năm 2019 và trở thành đại diện đầu tiên của Việt Nam tham gia cuộc thi quốc tế The Venture , doanh nghiệp cung cấp dịch quản lý bất động sản cho thuê Ami - Quán quân TECHFEST 2017 - gọi vốn thành công 9 triệu USD ngay sau khi tham gia chương trình , hay ứng dụng đầu tư Finhay - Top 10 TECHFEST 2017 - mới được nhận vốn 1 triệu USD từ Insignia Venture Partners.

Bên cạnh đó, các chương trình ươm tạo, thúc đẩy, kết nối do các đơn vị thực hiện có sự hỗ trợ, phối hợp của Đề án 844 cũng đã cho ra đời ra những startup có tiềm năng lớn như: Startup cung cấp tour du lịch với người bản địa Tubudd đến từ chương trình của Vietnam Silicon Valley (VSV); các startup nổi bật tại các hoạt động do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) thực hiện (Startup Wheel 2018, Startup Show 2018) như ứng dụng học tiếng Anh Clevertube, nền tảng tuyển nhân sự Freelancers Viet, Công ty cung cấp giải pháp công nghệ Firecoals, hay nền tảng đánh giá đơn vị giáo dục Edu2Review,… ; top 25 startup được cộng đồng bình chọn và được cố vấn, đào tạo thông qua chương trình Startup Việt của báo điện tử VnExpress, hay 9 dự án khởi nghiệp tiềm năng từ Chương trình Ươm tạo 100 ngày SIP 100 của Đại học Ngoại Thương,…

Đề án 844 triển khai có khó khăn vướng mắc gì, giải pháp tháo gỡ của Ban điều hành để Đề án đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Quất: Năm 2019 là năm thứ ba triển khai các hoạt động thuộc Đề án 844, số lượng dự án được duyệt để triển khai thực hiện đã tăng gần gấp đôi so với năm 2017, tuy nhiên việc triển khai các hoạt động thuộc Đề án vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Do những hoạt động hỗ trợ cho khởi nghiệp ĐMST mang tính mới, đặc thù cao, nhân sự để triển khai được các hoạt động hỗ trợ KNST ở các Bộ, ngành, địa phương đòi hỏi phải thường xuyên cập nhật nhiều kiến thức, thông tin mới; các hoạt động để hiệu quả cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, việc này hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt tại nhiều địa phương, do sự khác biệt về nền tảng giữa các vùng miền, khó khăn về nhân lực kết nối, nền tảng văn hóa chưa theo kịp tư duy đổi mới sáng tạo,… Từ đó đòi hòi những chương trình đào tạo, nâng cao năng lực có tác động tổng thể, song nguồn lực từ khu vực công còn hạn chế để triển khai, cần phải huy động nhiều nguồn lực xã hội khác để thực hiện.

Cơ chế chính sách, hàng lang pháp lý đặc thù cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hiện nay còn một số vướng mắc, nhất là trong bối cảnh các công ty, tập đoàn lớn cả trong và ngoài nước đang thu hút nhân tài trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học... Việc chúng ta còn hạn chế về nguồn kinh phí hỗ trợ start up, về nội dung và định mức chi cho chuyên gia trong nước và quốc tế, về quy trình đăng ký doanh nghiệp, cơ chế về đầu tư cho KNST, …đang gây khó khăn cho công tác thúc đẩy cá nhân khởi nghiệp. Ngay cả với hoạt động hỗ trợ, triển khai Đề án cũng chỉ đang vận dụng theo những quy định hỗ trợ với nội dung và định mức chi còn khoảng cách khá lớn so với thực tiễn triển khai.

Để giải quyết những khó khăn vướng mắc hiện tại, bên cạnh những nội dung nghiên cứu về cơ chế chính sách chung cho KNST, Ban Điều hành Đề án 844 đang phối hợp với Bộ Tài chính để có cơ chế hỗ trợ quy định trong thông tư tài chính cho Đề án 844, giúp cho các đơn vị thuận lợi hơn trong quá trình tham gia, từ đó có thể huy động tốt hơn những nguồn lực khác. Đặc biệt, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN phối hợp với Văn phòng Đề án 844 cùng các đơn vị liên quan tích cực triển khai xây dựng Đề án phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất, trước mắt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, và xây dựng Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019. Đây sẽ là nền tảng để thống nhất các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trên cả nước và tập hợp nguồn lực hiệu quả hơn cho khởi nghiệp sáng tạo. PV: Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ - Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang triển khai dự án "Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp" trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025”.

Xin ông cho biết nội dung và mục tiêu của dự án?

Ông Phạm Hồng Quất: Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (HHSC) là một trong những đơn vị tham gia thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thuộc Đề án 844. Năm 2019, Trung tâm tham gia thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ hoạt động truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo chiều sâu của Việt Nam” và “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” là một trong những hoạt động quan trọng nhất của dự án.

Mục tiêu của chương trình là nâng cao năng lực truyền thông về KNST tại các địa phương, từ đó hình thành được đội ngũ, mạng lưới nhà báo, phóng viên, người làm truyền thông chất lượng cao cho khởi nghiệp sáng tạo trên cả nước. Đội ngũ này sẽ cung cấp thông tin đúng, đủ, và truyền cảm hứng cho người dân, phát triển được văn hóa khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương, mà đặc biệt hơn là góp phần thúc đẩy việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp vùng.

“Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” sẽ được thực hiện thông qua Hành trình dẫn các nhà báo, phóng viên ở địa phương đi thực tế tại các địa phương: Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Phóng viên tham dự sẽ được gặp gỡ, tìm hiểu các chủ thể của hệ sinh thái KNST, tìm hiểu mô hình và cách vận hành của hệ sinh thái nói chung và các chủ thể nói riêng kết hợp với hoạt động đào tạo, chia sẻ kiến thức từ các chuyên gia. Hiện tại, chương trình đang tuyển đoàn phóng viên của các địa phương tham gia hành trình 5 ngày tại TP.HCM hoặc Đà Nẵng (chương trình tại Hà Nội dự kiến tuyển đoàn vào tháng 9).

Xin trân trọng cám ơn ông!

Trí Kiên – Thu Giang (thực hiện)

Tin bài khác
Chàng trai Ê Đê với giấc mơ đưa cà phê buôn làng ra thế giới

Chàng trai Ê Đê với giấc mơ đưa cà phê buôn làng ra thế giới

Từ bỏ nghề bác sĩ để trở về buôn làng, Y Pốt Niê đã viết nên câu chuyện truyền cảm hứng khi chinh phục thị trường quốc tế bằng hương vị cà phê và bản sắc văn hóa Ê Đê.
Vượt qua 350 startup, trợ lý AI Việt Nomi chiến thắng tại GITEX Asia 2025

Vượt qua 350 startup, trợ lý AI Việt Nomi chiến thắng tại GITEX Asia 2025

Trợ lý AI Việt Nomi không chỉ giúp người dùng tiết kiệm thời gian nhập liệu mà còn tối ưu hóa ngân sách, tăng hiệu quả chi tiêu lên đến 40% và hướng tới xây dựng thói quen tài chính bền vững.
Baidu ra mắt mô hình AI giá rẻ, đối đầu DeepSeek tại sân nhà

Baidu ra mắt mô hình AI giá rẻ, đối đầu DeepSeek tại sân nhà

Mô hình Ernie 4.5 Turbo mới của Baidu sở hữu hiệu suất tương đương DeepSeek V3 nhưng chỉ có giá bằng 40%, thậm chí rẻ hơn tới 80% so với Ernie 4.5 từng ra mắt hồi tháng 3.
Giải thưởng đổi mới sáng tạo Quốc tế -  ICIA Global 2025 khởi nguồn sức mạnh đổi mới cho thế hệ trẻ toàn cầu

Giải thưởng đổi mới sáng tạo Quốc tế - ICIA Global 2025 khởi nguồn sức mạnh đổi mới cho thế hệ trẻ toàn cầu

Từ 25 - 27/4/2025, hơn 400 đại biểu từ hơn 20 quốc gia đã cùng nhau kiến tạo một hành trình đổi mới, đam mê và bứt phá tại Vòng Chung kết Giải thưởng Sáng tạo và Đổi mới Quốc tế – ICIA Global 2025. Sự kiện diễn ra tại Trường Công nghệ và Thiết kế, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH).
Startup Neuralink của Elon Musk đạt định giá 8,5 tỷ USD

Startup Neuralink của Elon Musk đạt định giá 8,5 tỷ USD

Trước đó, vào năm 2023, giá trị của Neuralink do ông Elon Musk điều hành được ước tính khoảng 5 tỷ USD, dựa trên các giao dịch cổ phiếu riêng tư mà Reuters tiếp cận được.
Tổng vốn đầu tư vào startup AI Việt đạt 80 triệu USD

Tổng vốn đầu tư vào startup AI Việt đạt 80 triệu USD

Không chỉ tăng trưởng vượt bậc về dòng tiền, Việt Nam còn vươn lên vị trí thứ hai trong khu vực Đông Nam Á về số lượng startup AI, chỉ sau Singapore.
Đà Nẵng dự kiến chi gần 500 tỷ đồng xây khu làm việc chung cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Đà Nẵng dự kiến chi gần 500 tỷ đồng xây khu làm việc chung cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã có Tờ trình đề nghị HĐND TP xem xét quyết định đầu tư dự án “Không gian đổi mới sáng tạo Đà Nẵng” với tổng vốn gần 490 tỷ đồng.
Startup Zhipu AI tung trợ lý AI miễn phí, nhanh gấp 8 lần so với DeepSeek

Startup Zhipu AI tung trợ lý AI miễn phí, nhanh gấp 8 lần so với DeepSeek

Sự xuất hiện của AutoGLM Rumination từ Zhipu AI diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang chứng kiến làn sóng phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm AI.
Điểm danh những startup lao dốc dù nhận vốn khủng từ Shark Tank

Điểm danh những startup lao dốc dù nhận vốn khủng từ Shark Tank

Những câu chuyện của các startup như Vua Cua, Soya Garden hay Luxstay cho thấy rằng gọi vốn thành công không đồng nghĩa với thành công trong kinh doanh.
Vua Cua rút lui khỏi thị trường Việt Nam: Từ thành công gọi vốn tại Shark Tank đến quyết định “dừng cuộc chơi”

Vua Cua rút lui khỏi thị trường Việt Nam: Từ thành công gọi vốn tại Shark Tank đến quyết định “dừng cuộc chơi”

Từng được biết đến như một trong những thương hiệu F&B khởi nghiệp nổi bật tại Việt Nam, Vua Cua – chuỗi nhà hàng chuyên về món cua đã bất ngờ tuyên bố “tạm dừng phát triển tại thị trường trong nước”, thông tin được chính nhà sáng lập Đoàn Thị Anh Thư xác nhận trên tài khoản mạng xã hội chính chủ có tích xanh.
Bình Định: Hội nghị Thượng đỉnh Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia lần thứ 6

Bình Định: Hội nghị Thượng đỉnh Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia lần thứ 6

Hội nghị Thượng đỉnh Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia lần thứ 6 nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia lần thứ 6 - Bình Định 2025 (National Startup Summit, Bình Định 2025) diễn ra sáng nay, ngày 27/3/2025, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Chân dung Wiz - Startup an ninh mạng non trẻ khiến Google chi 32 tỷ USD để mua lại

Chân dung Wiz - Startup an ninh mạng non trẻ khiến Google chi 32 tỷ USD để mua lại

Hành trình của Wiz từ một startup non trẻ đến thương vụ mua lại của Google trị giá hàng chục tỷ USD là câu chuyện hiếm hoi trong giới công nghệ.
Doanh nghiệp kỳ vọng chính sách vay ưu đãi 0% cho đổi mới sáng tạo

Doanh nghiệp kỳ vọng chính sách vay ưu đãi 0% cho đổi mới sáng tạo

Ông Nguyễn Kim Hùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Kim Nam kỳ vọng Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất – thậm chí có thể cho vay gần như 0% – nhằm tạo cú hích lớn cho doanh nghiệp đặc biệt là nhóm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Startup Việt nhận bằng sáng chế blockchain đầu tiên tại Mỹ

Startup Việt nhận bằng sáng chế blockchain đầu tiên tại Mỹ

Startup Việt Ninety Eight ghi dấu ấn khi công ty con Ramper được cấp bằng sáng chế blockchain, mở đường đưa công nghệ này đến gần hơn với hàng tỉ người dùng.
Startup Việt Filum AI nhận đầu tư 1 triệu USD giữa "mùa đông gọi vốn"

Startup Việt Filum AI nhận đầu tư 1 triệu USD giữa "mùa đông gọi vốn"

Sự thành công trong việc huy động vốn của Filum AI giữa "mùa đông gọi vốn" đã thể hiện niềm tin lớn từ các quỹ đầu tư đối với tiềm năng của startup này.