“Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp” đáp ứng kỳ vọng hàng triệu nông dân

12:06 15/03/2024

Ngày 15/3/2024, tại tỉnh Trà Vinh, đã diễn ra Hội thảo “Vai trò, nhiệm vụ của khuyến nông, khuyến nông cộng đồng thực hiện đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp”.

Chương trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức với mục đích xác định rõ vai trò, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động của hệ thống khuyến nông, khuyến nông cộng đồng phục vụ triển khai đề án; Vai trò của các bên hỗ trợ khuyến nông cộng đồng; Nội dung, kế hoạch triển khai nhiệm vụ cụ thể của khuyến nông, khuyến nông cộng đồng tại các địa phương; Các giải pháp để tổ chức triển khai thực hiện đề án một cách hiệu quả.

Ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1490/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là đề án có ý nghĩa đặc biệt to lớn nhằm đáp ứng kỳ vọng của hàng triệu nông dân tại vùng sản xuất lúa lớn nhất cả nước, đồng thời thể hiện tầm vóc, vị thế và trách nhiệm của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thông - Trần Thanh Nam
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trần Thanh Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trần Thanh Nam đã nói: “Để triển khai đề án hiệu quả, Thủ tướng chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng dẫn tổ chức triển khai đề án, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện đề án... Một trong những nội dung quan trọng cũng như các câu hỏi đang được các bộ ngành, xã hội và người dân quan tâm là tại sao chúng ta cần thực hiện đề án này? Ai là người triển khai? Triển khai như thế nào? Ai là đối tượng chính? Ai là đối tượng cần được quan tâm? Vai trò, vị trí, nhiệm vụ của những các tác nhân tham gia đề án là gì...?”

Thứ trưởng cũng cho biết, để từng bước giải đáp những thắc mắc của xã hội cũng như người dân về từng khía cạnh, nội dung của đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ công tác ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện, làm việc với đối tác, đến công tác thông tin, truyền thông...Trên cơ sở kết quả thảo luận, Bộ Nông nghiệp sẽ có những chỉ đạo, định hướng cụ thể cho hệ thống khuyến nông , khuyến nông cộng đồng và các bên liên quan tổ chức triển khai thực hiện.

Ông Lê Văn Hẳn - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phát biểu tại hội thảo
Ông Lê Văn Hẳn - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phát biểu tại hội thảo.

Quán triệt sâu sắc các nội dung trên và Quyết định của Thủ tướng về phê duyện đề án này, ông Lê Văn Hẳn - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh thông tin cho biết, trong lĩnh vực trồng trọt, lúa là cây trồng chính của tỉnh với diện tích đất trồng lúa 82,68 ngàn hec-ta, chiếm 58,5% diện tích sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 200 ngàn hec-ta và sản lượng đạt trên 1,1 triệu tấn. Tỉnh Trà Vinh là một tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL có diện tích tự nhiên 2.390 km2 chiếm khoảng 5,77% diện tích khu vực ĐBSCL, có 65 km bờ biển, 01 khu kinh tế ven biển được Thủ tường chính phủ phê duyệt. Đây là điều kiện tiềm năng để phát triển kinh tế biển trong hiện tại và tương lai.

Trước tình hình biến đổi khí hậu và cạnh tranh ngày càng nhiều của sản phẩm lúa gạo trên thị trường, sản xuất lúa gạo chất lượng cao ngày càng khó khăn hơn nên việc tổ chức hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao thu nhập và đời sống người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội, nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng Trung tâm khuyến nông quốc gia đi thăm mô hình tại HTX Phát Tài, Châu Thành, Trà Vinh
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng Trung tâm Khuyến nông quốc gia đi thăm mô hình tại HTX Phát Tài, Châu Thành, Trà Vinh.

“Để hướng tới một ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm và bền vững, đây là một trong những vấn đề quan trọng mà chúng ta cần phải thay đổi tư duy trong chuỗi sản xuất, liên kết kinh doanh”- ông Lê Văn Hẳn nhấn mạnh.

Tại buổi hội thảo, đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm khuyến nông 12 tỉnh vùng ĐBSCL đã có những phần tham luận, đóng góp nhằm thúc đẩy cho việc thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" với nhiều nội dung như: quan tâm về mạng lưới khuyến nông của cộng đồng và địa phương, nâng cao năng lực khuyến nông, quan tâm về việc phối hợp Trung tâm khuyến nông quốc gia thực hiện chuyển đổi số, cập nhật kiến thức hợp tác xã, luật mới hợp tác xã, cần đẩy mạnh về kinh tế tập thể, kiến thức về thị trường đến với người nông dân. Ngoài ra, khi làm tín chỉ cacbon đối với các dự án liên quan ngân hàng thế giới thì cũng lưu ý thêm về việc giảm thải cacbon sẽ ảnh hưởng đến giá trị dự án, đưa các giải pháp vào mô hình khuyến nông…

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng đã đề nghị các tỉnh chỉ đạo rà soát lực lượng khuyến nông địa bàn, Trung tâm khuyến nông địa phương phối hợp cùng Trung tâm khuyến nông Trung ương tháo gỡ khó khăn khi gặp vướng mắc…Thứ trưởng cũng nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương cần làm ngay và triển khai ngay các công việc để thực hiện đề án này cùng với hàng loạt các cơ chế chính sách, dự án hạ tầng… đã triển khai trước đó.

Việt Nam hiện là nước sản xuất gạo lớn thứ 5 thế giới và là nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới. Năm 2023, xuất khẩu gạo đạt trên 8,13 triệu tấn, đạt kim ngạch 4,67 tỷ đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay.

Uyển Nhi - Bích Liên