Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong đại dịch Covid -19

22:16 09/06/2021

Bộ Tài chính cho biết, ước tính giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2021 trong 5 tháng đầu năm mới chỉ đạt khoảng 102.000 tỷ đồng, chi bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2021 thấp, theo phản ánh từ các Bộ, ngành, địa phương, là do đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa khiến ảnh hưởng tới việc triển khai, thi công nhiều dự án. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng có thời điểm đã tăng cao khoảng 40% so với đầu năm. 

Ngoài một số Bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm đạt từ trên 40% như Thái Bình (73,74%), Hưng Yên (47,22%); Kiểm toán Nhà nước (46,89%); Nam Định (45,17%); Thanh Hóa (44,39%); Hà Nam (41,46%), còn lại rất nhiều các Bộ, ngành, địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt dưới 15%; trong đó, Bắc Kạn mới đạt gần 7%; Cần Thơ mới đạt gần 9%... Đặc biệt, vẫn có 8 Bộ mới có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 1%.

Đầu tư công đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp. Đầu tư công phát huy hiệu quả, không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho doanh nghiệp, ngành, địa phương, người lao động, mà còn góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

 Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn đầu tư kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ mới có Chỉ thị số 13/2021/CT-TTg yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Từng bộ, ngành, địa phương phải rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho” và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng; kiên quyết cắt bỏ những dự án đầu tư chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả.

Đại diện Bộ Tài chính, cho biết, Bộ này cũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương khác đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công các dự án được giao quản lý. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành. Đồng thời, rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt còn thiếu vốn; thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng Bộ, địa phương xử lý các điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực.

PV