Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước; nếu tính riêng lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước. Tuy nhiên, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt còn hạn chế.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề ra một số giải pháp để phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó có việc đổi mới và đa dạng hóa các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế để thích ứng với yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Đổi mới khu công nghiệp với mô hình phát triển, phương thức quản lý tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu công nghiệp, khu kinh tế làm nền tảng.
Đồng thời, thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế có chọn lọc, phù hợp với yêu cầu, tiềm năng phát triển của địa phương, vùng; ưu tiên dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân đầu tư công, qua đó giúp các dự án sớm hoàn thành. Nếu chúng ta hoàn thành càng sớm hệ thống cơ sở hạ tầng thì các dự án mới, làn sóng đầu tư mới sẽ tạo ra sự lan toả”.
D.P