Theo ông Lê Quốc Khánh - Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam, đặc điểm của ngành công nghiệp hóa chất chính là sự đa đạng về sản phẩm nhằm phục vụ cho tất cả các ngành khác liên quan đến kinh tế kỹ thuật. Ngành công nghiệp hóa chất có thể khai thác mọi thế mạnh cũng như tài nguyên của đất nước từ khoáng sản, dầu khí cho đến sản phẩm, phụ phẩm và thậm chí là cả phế thải của công nghiệp, nông nghiệp. Do đó, ngành công nghiệp hóa chất đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế của một đất nước. “Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với các doanh nghiệp hóa chất, không ngừng cải tiến, từ khâu quy hoạch đến việc tổ chức sản xuất và phân phối lưu thông sản phẩm” - ông Lê Quốc Khánh chỉ ra.
Tại hội thảo, ông Lê Thủy Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Bộ Tài nguyên - Môi trường) đã giới thiệu các Nghị định của Chính phủ và các văn bản pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung và các doanh nghiệp hóa chất nói riêng. Bên cạnh đó, ông Lê Thủy Trung cũng đề xuất ý kiến tới các nhà quản lý về vấn đề quy hoạch hợp lý cho các doanh nghiệp hóa chất nhỏ và vừa, các chính sách hỗ trợ thiết thực của nhà nước nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh hóa chất, ông Lê Việt Thắng - Chuyên viên Cục Hóa chất cho biết: Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hưởng lợi từ cải cách hành chính. “Nghị định 113 là một bước tiến mới trong quản lý hóa chất khi Bộ Công Thương bãi bỏ 46 điều kiện sản xuất, lưu trữ, kinh doanh hóa chất, vừa giúp doanh nghiệp thông thoáng hơn trong kinh doanh nhưng cũng giúp cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn, đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh ngành hàng này. Nghị định không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính mới mà còn bãi bỏ 4 thủ tục hành chính là xác nhận biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; xác nhận khai báo hóa chất sản xuất; cấp giấy chứng nhận huấn luyện an toàn hóa chất; đăng ký sử dụng hóa chất nguy hiểm” - ông Lê Việt Thắng chia sẻ.
Bên cạnh đó, vừa qua, Cục Hóa chất đã chính thức công bố vận hành cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc triển khai hoạt động hóa chất. Đồng thời, góp phần từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ngành hóa chất, cung cấp thông tin phục vụ định hướng phát triển ngành; hỗ trợ quản lý, kiểm soát hóa chất nguy hại, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc cải cách hành chính đang được Đảng và Chính phủ chỉ đạo thực hiện.
Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia sẽ đóng góp vai trò to lớn trong công tác quản lý hóa chất, góp phần vào sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung và ngành công nghiệp hóa chất nói riêng, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. “Cơ sở dữ liệu cũng là một kênh cung cấp các quy định văn bản pháp luật. Trong đó, có các thủ tục hành chính được thiết kế sẵn trong cơ sở dữ liệu và qua đó các doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục hành chính trong hoạt động hóa chất một cách hoàn toàn trên môi trường mạng. Từ đó, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian mà vẫn có được thông tin, quy trình và được hướng dẫn trực tiếp để thực hiện các thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia” - đại diện Cục Hóa chất nhấn mạnh.
Lan Anh