Đào tạo nhân viên: Khoản đầu tư cho tương lai của doanh nghiệp

10:15 09/12/2022

Một doanh nghiệp sở hữu đội ngũ nhân viên giỏi chuyên môn, có kỹ năng sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn trong thị trường. Việc đào tạo nhân viên được ví như 1 khoản đầu tư cho tương lai doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân viên trong doanh nghiệp

Công tác đào tạo nhân viên có thể được hiểu là quá trình các doanh nghiệp tổ chức các lớp học trong môi trường công sở, mời các chuyên gia, giảng viên giảng dạy trực tiếp cho các nhân viên, các cấp quản lý, lãnh đạo bằng các khóa học ngắn hạn, khóa học chuyên sâu về lĩnh vực, chuyên môn phù hợp với từng phòng ban, cá nhân. Thông qua công tác đào tạo, nhân viên và đội ngũ lãnh đạo sẽ có cơ hội nâng cao chuyên môn, kỹ năng làm việc linh hoạt để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Quy trình đào tạo nhân viên nội bộ có tầm quan trọng không nhỏ trong hoạt động của doanh nghiệp, là giải pháp tối ưu giúp cho doanh nghiệp phát triển ngày càng lớn mạnh hơn nhờ có đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Việc bỏ qua nhiệm vụ đào tạo nhân viên sẽ đồng nghĩa với việc công ty sẽ đánh mất những rất nhiều lợi ích, trong đó phải kể đến:

Cải thiện và nâng cao hiệu quả làm việc cho nhân viên

Làm việc trong môi trường doanh nghiệp, hầu hết các nhân viên đều mong muốn sẽ được học hỏi và trau dồi kỹ năng chuyên môn hơn nữa để họ có cơ hội thăng tiến trong công việc. Thông qua công tác đào tạo nhân viên, mỗi cá nhân sẽ nhìn nhận ra khả năng của mình, cải thiện những lỗ hổng về kỹ năng và xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp hơn.

Sau khi được đào tạo bài bản, nhân viên sẽ nắm giữ những kỹ năng cần thiết phục vụ trong công việc và từ đó đẩy mạnh năng suất và hiệu quả làm việc hơn nữa, tự nhân viên cũng có thể khám phá được thế mạnh mới của bản thân, tạo cơ hội thăng tiến cho mình.

Hơn thế nữa, việc tổ chức công tác đào tạo nhân viên cho thấy sự cam kết và quan tâm của doanh nghiệp đối với người lao động. Nhân viên sẽ cảm thấy được coi trọng và có giá trị cao trong doanh nghiệp.

Tăng khả năng giữ chân và thu hút nhân tài

Khi nhân viên được doanh nghiệp quan tâm và tạo cơ hội phát triển trình độ chuyên môn cũng như kỹ năng cần thiết cho công việc sẽ gắn bó hơn với doanh nghiệp. Do, nhân viên cảm thấy cơ hội phát triển nghề nghiệp những như lộ trình thăng tiến rõ ràng tại doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp cũng giúp giảm chi phí tuyển dụng đồng thời có thể trở thành yếu tố thu hút sự những tài năng mới gia nhập.

Việc làm thế nào để nhận được sự tin tưởng và trung thành của đội ngũ nhân viên là một bài toán mà nhiều doanh nghiệp cần quan tâm. Bên cạnh những yếu tố về lương thưởng, chính sách đãi ngộ phù hợp thì việc tổ chức các lớp đào tạo giảng dạy để nâng cao chuyên môn, năng lực bản thân cũng là một cách để doanh nghiệp làm được điều đó. Với quy trình đào tạo nhân sự hiệu quả, nhân viên sẽ nhanh chóng nhận ra giá trị công việc, vị trí của mình trong doanh nghiệp và từ đó xây dựng niềm tin và sự trung thành với công ty.

Nâng cao tính ổn định và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp

Doanh nghiệp chú trọng vào đào tạo, xây dựng được lộ trình học tập và thăng tiến rõ ràng cho nhân viên thường có tỷ lệ nhảy việc thấp hơn hẳn. Ngoài ra, doanh nghiệp có chương trình đào tạo bài bản thường sẽ chủ động, ít bị rối loạn khi có sự thay đổi về mặt nhân sự hoặc các yếu tố sản xuất kinh doanh biến động. 

Không chỉ duy trì sự ổn định trong quá trình vận hành của doanh nghiệp, đào tạo nhân viên còn tăng sức cạnh tranh trên thị trường nhờ đội ngũ nhân viên được trang bị kiến thức và kỹ năng vững vàng.

Khó khăn khi đào tạo nhân viên

Đối với các doanh nghiệp hiện nay thì việc đào tạo nhân viên đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi đây sẽ là cách để doanh nghiệp tạo được sự ổn định, bền vững và sẵn sàng thích ứng cho những thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo nhân viên vẫn gặp rất nhiều thách thức và khó khăn nhất định, khiến cho việc đào tạo nội bộ trở nên kém hiệu quả. Vậy, những khó khăn khi đào tạo nhân viên là gì? Dưới đây là 5 khó khăn, thách thức thường gặp trong quá trình cải thiện năng lực, hiệu suất của đội ngũ nhân sự:

Chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của đào tạo nhân viên

Rất nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc đào tạo, bổ sung và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nhân viên trong doanh nghiệp là không cần thiết. Nếu như nhân viên muốn giỏi hơn thì tự cập nhật cho mình, còn doanh nghiệp sẽ hướng đến việc tìm người có kiến thức, chuyên môn để tuyển dụng vào công ty. Cách này nghe có vẻ khá phù hợp thế nhưng lại không hề mang tính lâu dài.

Trường hợp doanh nghiệp tuyển dụng được người tài nhưng chưa chắc họ lại có thể gắn bó lâu dài, trong khi đó, nhân viên có sự gắn bó thì lại chưa có đủ kiến thức và kỹ năng để đảm nhận các công việc đòi hỏi có sự hiểu biết cao hơn. Vì vậy mà việc đào tạo nhân viên cần được nâng cao, chú trọng hơn nữa để doanh nghiệp có một đội ngũ nòng cốt vững chắc, kịp thời thích ứng với các sự thay đổi của thị trường cũng như thời đại.

Chưa xác định rõ nhu cầu đào tạo

Việc lên khung chương trình đào tạo vô cùng quan trọng, là yếu tố quyết định sự thành bại của vấn đề nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự. Tuy nhiên, không phải mọi doanh nghiệp đều hiểu rõ nhu cầu thực sự của công ty là gì, đâu là những kỹ năng mà mọi nhân viên cần phải có. Khi tìm hiểu được những vấn đề này, doanh nghiệp mới có thể xây dựng các khóa đào tạo phù hợp với nhu cầu của từng nhân viên.

Quy trình đào tạo còn thiếu sót, chưa bài bản

Các chương trình đào tạo quy mô lớn khá là mới đối với nhiều doanh nghiệp, nên các công tác tổ chức chưa thực sự bài bản, chuyên nghiệp. Việc triển khai tốn nhiều thời gian, đòi hỏi nhân viên thực hiện các bước không cần thiết. Thêm vào đó là áp lực từ khối lượng công việc hàng ngày khiến họ không còn hào hứng với các khóa học dù nó bổ ích và thú vị.

Kinh phí đào tạo

Ngân sách dành cho đào tạo cũng là một trong những trở ngại lớn trong hành trình đồng bộ hóa chất lượng đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp. Đặc biệt, sự kéo dài của đại dịch Covid-19 khiến ngân sách dành cho hoạt động đào tạo ở nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm. Theo báo cáo “Đào tạo và Phát triển trong doanh nghiệp: Thực trạng và xu hướng trong thời kỳ Chuyển đổi số”, 10% doanh nghiệp ngừng hoàn toàn và 32% cắt giảm ngân sách cho đào tạo và phát triển. Ngoài ra, nhiều chương trình đào tạo không mang đến hiệu quả tức thì cũng là nguyên nhân khiến các chủ doanh nghiệp cắt giảm chi phí dành cho đào tạo. Với những doanh nghiệp sử dụng phương pháp đào tạo tập trung, chi phí để thực hiện đào tạo bao gồm in ấn tài liệu, thuê địa điểm, đi lại, ăn uống… Những khoản chi phí này cũng khiến các doanh nghiệp cân nhắc số chương trình đào tạo cần thiết phải thực hiện trong năm.

Phương pháp đào tạo chưa phù hợp

Phương pháp đào tạo tập trung truyền thống hiện nay là phương pháp gây ra nhiều áp lực và kém hiệu quả. Nhân viên phải tiếp nhận lượng kiến thức rất lớn trong khoảng thời gian dẫn đến sự quá tải. Họ không những không thể ghi nhớ, áp dụng kiến thức mà còn gây ra sự căng thẳng trước một lượng lớn kiến thức. Đào tạo không còn hiệu quả, thậm chí còn là cực hình.

Bên cạnh đó, điều kiện của mỗi doanh nghiệp hiện nay cũng có thể là rào cản của doanh nghiệp trong khi áp dụng các chương trình đào tạo nội bộ cho mình.

Việc đào tạo nhân viên được ví như 1 khoản đầu tư cho tương lai doanh nghiệp.
Việc đào tạo nhân viên được ví như 1 khoản đầu tư cho tương lai doanh nghiệp..

Giải quyết bài toán đào tạo nội bộ như thế nào?

Với những khó khăn khi đào tạo nhân viên được nêu trên thì các nhà quản lý cần làm gì để công tác quản lý có thể được triển khai một cách hiệu quả hơn?

Nhận thức rõ về vai trò của đào tạo nhân viên

Đào tạo nhân viên hay đào tạo nội bộ là một công tác vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thể xây dựng được một đội ngũ nhân sự nòng cốt phù hợp với tình hình của thị trường cũng như khả năng thích ứng cao. Hơn hết, đây cũng là công tác giúp doanh nghiệp giữ chân nhân tài khi việc doanh nghiệp quan tâm và chú trọng đến phát triển năng lực cá nhân của từng nhân viên. Điều này cho thấy được một chế độ đãi ngộ tốt và một môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp để có thể gắn bó trong tương lai.

Triển khai các chương trình đào tạo đúng với thực tiễn

Việc nhân viên không hứng thú với các buổi đào tạo chính là bởi nội dung quá mang tính lý thuyết, thiếu sự thực tế và dẫn đến thiếu đi tính hấp dẫn. Do đó mà doanh nghiệp cần xây dựng các chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, gắn với những điều mà nhân viên còn thiếu. Cùng với đó là kết hợp với các trò chơi hay những phần quà để buổi đào tạo trở nên sôi nổi và hiệu quả hơn.

Cần có sự phân chia đúng nhóm đối tượng

Việc sắp xếp các đối tượng nào chung một buổi đào tạo là rất quan trọng. Bởi khi tập hợp những người có cùng nhu cầu với nhau thì việc đưa ra cho họ điều họ mong muốn mới trở nên hấp dẫn. Còn với những người không có nhu cầu thì cho dù có làm gì thì nhận thức, thái độ và hành vi cũng sẽ không bao giờ thay đổi.

Sử dụng phần mềm hỗ trợ

Các buổi đào tạo trực tuyến hay các phần mềm quản lý, giao tiếp nội bộ thống nhất sẽ là những cách để doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhưng vẫn có thể gắn kết và tạo được mạng lưới hoạt động trong buổi đào tạo vô cùng hiệu quả.

Ngày nay, với công nghệ 4.0 thì mọi người đều dành rất nhiều thời gian cho internet. Với lý do này thì không có lý do gì mà doanh nghiệp lại không áp dụng công nghệ trong quá trình đào tạo nhân viên cả.

Việc sử dụng phần mềm sẽ giúp doanh nghiệp quản lý tốt nhân sự đến với buổi đào tạo, theo dõi được chính xác về diễn biến, sự thay đổi của nhân viên trong quá trình diễn ra buổi đào tạo. Từ đó, có thể tính toán và nắm bắt được sự hiệu quả mà buổi đào tạo mang đến cho doanh nghiệp như thế nào. Dựa vào đó có thể tiến hành được các điều chỉnh nhất định nhằm cải thiện các chương trình đào tạo sau đó có thể phù hợp và hiệu quả cao hơn.

Những khó khăn khi đào tạo nhân viên sẽ không thể nào được nắm bắt khi doanh nghiệp không tiến hành đào nội bộ. Với những chia sẻ trên thì đây mới chỉ là phần nào khó khăn mà rất nhiều doanh nghiệp gặp phải, tùy thuộc vào tình hình thực tế mà thách thức sẽ có sự đa dạng và thay đổi giữa các doanh nghiệp.

Tú Anh (t/h)