Trong khi nhiều nước đang thực hiện các biện pháp cách ly nghiêm ngặt, làm cản trở các hoạt động sản xuất kinh doanh, Việt Nam đã cho phép người dân buôn bán, làm việc, đi học trở lại bình thường.
Các biện pháp chống dịch hiệu quả đã giúp Việt Nam tránh khỏi một làn sóng nhiễm bệnh lớn. Mặc dù nằm sát bên Trung Quốc, nơi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện, Việt Nam chỉ có 271 ca nhiễm bệnh, không có trường hợp tử vong.
Việt Nam đạt được thành công như vậy là nhờ vào kinh nghiệm chống dịch SARS năm 2003. “Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi kinh tế toàn cầu suy giảm, nhưng tôi không nghĩ rằng kinh tế nước này sẽ rơi vào tình trạng suy thoái,” CNBC dẫn lời bà Sian Fenner, một chuyên gia kinh tế về châu Á.
Việt Nam đã rất nhanh chóng trong việc kiểm soát biên giới, cũng như tiến hành giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Ngoài ra, Việt Nam được hưởng lợi khá nhiều từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc do tác động của cuộc thương chiến Mỹ - Trung. Bà Fenner nhấn mạnh đó là những điều kiện thuận lợi có tác dụng hỗ trợ tích cực giúp Việt Nam thoát khỏi suy thoái kinh tế.
Chính phủ Việt Nam bắt đầu cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động lại bình thường từ cuối tháng 4. Ảnh: Quý Hòa |
Hơn nữa, chính phủ Việt Nam bắt đầu cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động lại bình thường từ cuối tháng 4. Và gần đây, hàng triệu học sinh đã trở lại trường sau 3 tháng ở nhà. Việt Nam đã trở thành một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng quy định cách ly.
Tác giả bài viết khen chính phủ Việt Nam đã hành động tích cực trong việc tìm những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 để cách ly nhờ vào hệ thống an ninh và lực lượng quân nhân hùng hậu.
Nhiều người vẫn còn nghi ngờ về số liệu mà chính phủ Việt Nam cung cấp. Một đại diện của Công ty Capital Economics cho biết, nếu dịch bệnh không được kiểm soát, thì chính phủ nước này đã không nới lỏng biện pháp cách ly xã hội.
Tuy nhiên, ông Gareth Leather, chuyên gia kinh tế cấp cao của Capital Economics cho biết, việc nới lỏng biện pháp cách ly cũng không thể ngăn chặn đà giảm tốc của kinh tế Việt Nam trong năm nay, vì mọi thứ khó có thể trở lại bình thường ngay lập tức.
Nguyên nhân chính khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị sa sút đó là sự phụ thuộc về mặt kinh tế của Việt Nam với các nước khác còn khá cao trong khu vực. Kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế chiếm đến hơn 70% GDP. Kim ngạch xuất khẩu đã giảm hơn 12% trong tháng 3. Du lịch, ngành tạo ra 4% GDP sẽ ổn định, ông Leather nhận định.
Nguồn CNBC