Đại biểu Quốc hội góp ý và kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới

08:56 02/04/2021

Theo các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nhiệm kỳ 2016-2021, “Chính phủ đã lèo lái con tàu Việt Nam vượt qua phong ba bão táp”, song, vẫn còn những tồn tại, hạn chế chậm được chấn chỉnh, khắc phục khiến người dân băn khoăn, bức xúc... Các ĐBQH mong muốn, nhiệm kỳ tới, Quốc hội sẽ tiếp tục có những đổi mới, cải tiến để nâng cao chất lượng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Ông Vũ Tiến Lộc- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình 

Nước ta đã trải qua một nhiệm kỳ rất gian nan, nhất là từ đầu năm 2020 đến nay, khi mà trong 3 yếu tố của thành công, như ông cha ta thường nói là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì “thiên” có nhiều khó khăn, “địa” có nhiều bất lợi nhưng yếu tố “nhân hòa” lại tỏa sáng ở nước ta. 

Ông Vũ Tiến Lộc- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Ông Vũ Tiến Lộc- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Nguồn ảnh: Internet

Tuy nhiên, chất lượng thể chế và chất lượng tăng trưởng mặc dù được cải thiện nhưng chưa cao. Kế hoạch có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 còn “lỡ hẹn”. Nhiều quy định pháp luật về kinh doanh còn chồng chéo. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà, tiếp tục gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Những quy định về pháp luật kinh doanh còn chồng chéo, cơ chế xin – cho đã giảm nhưng thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà, tiếp tục gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Chính sách tiền tệ thời gian qua, tốc độ tăng trưởng cung tiền và tín dụng luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, điều này tiềm ẩn nỗi lo về lạm phát cũng như nợ xấu trong tương lai.

Đối với, thu ngân sách nhà nước vẫn dựa nhiều vào đất đai, tài nguyên, thiếu tính bền vững; chi ngân sách còn lớn, bộ máy còn cồng kềnh, đầu tư công còn kém hiệu quả do dàn trải. Cơ chế huy động sức dân và đầu tư phát triển còn nhiều vướng mắc. Những hạn chế này nếu không khắc phục kịp thời thì hiện tượng quá tải về cơ sở hạ tầng chắc chắn là một trong điểm nghẽn lớn nhất cản trở nhu cầu phát triển nhanh và bền vững của những năm tới đây

Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Bà Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Bà Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội. Nguồn ảnh: Internet

Quốc hội, Chính phủ đã có ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực, đặc biêt là các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc huy động vốn thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Đơn cử, nhiều dự án thuộc cao tốc Bắc-Nam, tuyến đường ven biển, một số dự án BOT tại các địa phương… đã phải chuyển từ hình thức đối tác công-tư sang sử dụng 100% vốn Nhà nước.

Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách là không dễ dàng, nhưng Chính phủ kiến tạo là Chính phủ phải tạo được sức mạnh tổng hợp, huy động được mọi nguồn lực từ người dân cho phát triển. Cần chấp hành nghiêm Luật Đầu tư công, nếu cần thì Quốc hội nhiệm kỳ mới xem xét sửa đổi. Theo đó, Quốc hội chỉ phê chuẩn danh sách đầu tư công trung hạn và Chính phủ giao Bộ KH&ĐT phân bổ chi tiết, tránh tình trạng dàn trải, manh mún.

Tô Thị Bích Châu- Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh

Bà Tô Thị Bích Châu- Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh
Bà Tô Thị Bích Châu- Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh. Nguồn ảnh: Internet

Điểm chưa đạt được trong nhiệm kỳ này là sự đến nơi đến chốn trong công tác cải cách, đặc biệt là những cải cách quan trọng có những tác động lớn đối với nền kinh tế, chẳng hạn như cải cách về giáo dục đào tạo, đến thời điểm này những nỗ lực về giáo dục đào tạo vẫn đi một cách lưng chừng, có chuyển động về phía trước nhưng kết quả còn hạn chế. Lĩnh vực văn hóa vẫn chưa có sự bứt phá, nếu không nói là có sự thụt lùi...

Về cải cách sắp tới, đề nghị Chính phủ tập trung vào 3 vấn đề sau: Thứ nhất, tiếp tục giữ vững và phát huy những gì đã làm được của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, trong đó đặc biệt là ổn định tình hình kinh tế vĩ mô và giữ mục tiêu phát triển kép. Thứ hai, tận dụng những cơ hội từ đại dịch COVID toàn cầu để thúc đẩy nhanh hơn nữa những kết nối, những ngành nghề phục vụ cho con người như giáo dục, y tế, công nghệ, tài chính. Thứ ba, cần thúc đẩy những cải cách mạnh mẽ hơn nữa từ địa phương, trong đó nhấn mạnh đến vai trò đầu tàu kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh, đó chính là xu hướng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, cũng như phát triển thành phố thành trung tâm chăm sóc sức khỏe y tế của cả nước và của khu vực. Đây là điểm rất quan trọng tạo nên sự đột phá mạnh mẽ không chỉ riêng cho Thành phố mà cho đất nước trong thời gian tới.

Lý Tiết Hạnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Bà Lý Tiết Hạnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Bà Lý Tiết Hạnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định. (Nguồn ảnh: Internet)

Thời gian qua, với sự đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ, cả nước đã và đang triển khai rất nhiều dự án giao thông trọng điểm, có vai trò dẫn dắt và làm nền tảng, động lực cho sự phát triển. Tuy nhiên, đối với khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, do điều kiện địa lý nằm cách xa hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước, chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạ tầng giao thông kết nối giữa các tỉnh, các vùng kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Việc bố trí các kế hoạch đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là về giao thông, của khu vực này chưa được quan tâm đúng mức. Tại các địa phương, trong đó có Bình Định, giống như một đại công trường với rất nhiều công trình dự án đã và đang thực hiện dang dở, gặp rất nhiều khó khăn về bố trí nguồn vốn thực hiện. Chính phủ cần chỉ đạo rà soát tổng thể các công trình, dự án đang thực hiện, kể cả trong kế hoạch, còn nợ vốn, chưa bố trí được vốn, để có kế hoạch giải pháp đồng bộ, quyết liệt huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả, tránh lãng phí.

Ông Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Ông Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Ông Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội. (Nguồn: Internet)

Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thay vì tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục, phải thực hiện đột phá thể chế bằng việc thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý, chuyển cơ chế. Việc chuyển đổi số sẽ làm thay đổi hoàn toàn thói quen và vị trí của người quản lý trong bộ máy nhà nước. Người quản lý không còn ngồi chờ doanh nghiệp đến yêu cầu giải quyết mà phải dựa vào thông tin được số hóa của doanh nghiệp để phát hiện những vấn đề cần điều chỉnh hoặc phải giải quyết để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Đó chính là cơ sở để chuyển đổi từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, tạo đột phá về thể chế trong quản lý

Nếu chuyển đổi số thành công với hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam không chỉ là "cái bếp của thế giới" mà có thể trở thành công xưởng ngành công nghệ điện tử, tin học của cả thế giới.

Ông Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP.HCM

Ông Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP.HCM. Nguồn ảnh: Internet
Ông Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP.HCM. Nguồn ảnh: Internet.

Nhiệm kỳ 2016 - 2021 Chính phủ thể hiện sự năng động, lãnh đạo Chính phủ "lên rừng xuống biển", nhưng thành tựu là sự kế thừa, kết tinh của nhiều nhiệm kỳ trước cộng lại, ví dụ như kết quả về tái cơ cấu nền kinh tế. Chính phủ đã điều hành linh hoạt, năng động, giúp cho nền kinh tế có dư địa để vượt qua cú sốc Đại dịch Covid-19, trở thành điểm sáng của khu vực, thế giới.

Tuy nhiên, Chính phủ cần tập trung làm tốt hơn một số vấn đề như đầu tư nông nghiệp, nhất là nông nghiệp cao; quan tâm đến khu vực ĐBSCL; cổ phần hóa DNNN còn chậm; kinh tế tư nhân cần được kích thích phát triển mạnh hơn để nền kinh tế có nhiều hơn những "đại bàng".

Ông Nguyễn Việt Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre:

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, thời gian qua du lịch chưa đảm nhận được vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, đề nghị thời gian tới Chính phủ cần xem xét tiêu chí mới về kinh tế biển, trong đó có nghề khai thác hải sản trên biển. Bởi không chỉ đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế quốc dân, mà khai thác hải sản trên biển còn tham gia vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ông Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Liên kết vùng đang là một khâu yếu, thiếu thể chế quản trị, điều phối vùng hiệu quả, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn nội dung này và đề ra giải pháp khắc phục cho nhiệm kỳ tới. Cần xây dựng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp đa ngành, hình thành chuỗi giá trị và xây dựng cơ chế chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và cơ chế điều phối đủ mạnh cho phát triển vùng, quan tâm nhiều hơn trên các lĩnh vực cho vùng miền núi, biên giới. Quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối vùng với vùng kinh tế trọng điểm Thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ, thực hiện các dự án phát triển hạ tầng đa mục tiêu như giao thông, đập kè, thủy lợi, nông nghiệp nông thôn… có tính chất liên vùng để tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội cho vùng và cả nước.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng. Nguồn: Internet
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng. Nguồn: Internet.

Vấn đề kỷ luật, kỷ cương quản lý tài nguyên, đất đai công sản còn có những sai lầm ở một số nơi…Việc xử lý 12 dự án thua lỗ, mặc dù Quốc hội đã liên tục giám sát và nhắc nhở nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành và không biết đến bao giờ mới xử lý dứt điểm. Hay việc thu phí cao tốc đường bộ đến giờ cũng chưa xong và chưa rõ thời gian hoàn thành, và điều đáng lưu ý là không rõ cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm cho những chậm trễ này…

Có hai điểm hạn chế cần quan tâm. Đó là vấn đề quản lý công sản và đất đai khi vẫn còn tình trạng khiếu kiện kéo dài. Tình trạng này là do những bất cập về pháp luật đất đai. Mặc dù nhiệm kỳ qua, Chính phủ đã trình Dự thảo luật sửa đổi Luật Đất đai nhưng cũng nhiều lần xin lùi thời gian trình và cho đến nay vẫn chưa thể trình được dự thảo. Bên cạnh đó, cần chú ý đến tinh minh bạch về thông tin, bởi nếu thông tin về đất đai rõ ràng thì sẽ không thể có tình trạng bán "đất ma". 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Cần duy trì mạnh mẽ kỷ cương việc xây dựng pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; dành sự quan tâm hơn nữa cho công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo; quan tâm xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, khẩn trương triển khai Đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh. Đồng thời, cần có cơ chế thu hút nhân tài; xây dựng cơ chế ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp, bất ngờ...

TH