Cuộc chiến nguyên liệu thô toàn cầu cho ngành công nghiệp xe điện

11:16 25/05/2021

Khi Hoa Kỳ, châu Âu và các quốc gia khác thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp xe điện, một “cuộc chiến giấu mặt” nguyên liệu kim loại thô bắt đầu từ đây. Tổng thống Mỹ, Joe Biden đề xuất các công ty ô tô và chế tạo pin nên sản xuất tại Hoa Kỳ đồng thời tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ. Phía châu Âu cũng tập trung vào lĩnh vực pin cũng như đảm bảo nguồn cung ứng.

Kể từ năm 2016, trong bối cảnh 176 quốc gia tham gia ký kết Thỏa thuận Paris về giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi điện khí hóa ô tô đã trở thành một xu hướng không thể đảo ngược. Theo dữ liệu do trang web EVvolumes.com tổng hợp, doanh số bán xe điện chạy bằng pin (BEV) và xe plug-in hybrid (PHEV) trên toàn cầu đạt 3,24 triệu chiếc vào năm 2020, tăng 43% so với năm 2019 (2,26 triệu chiếc). Theo phân tích của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dựa trên kịch bản SDS (nghĩa là đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris), tổng lượng xe điện toàn cầu sẽ đạt 230 triệu vào năm 2030, chiếm 12% tổng số phương tiện giao thông đường bộ. Phân tích cũng chỉ ra rằng, trung bình một chiếc ô tô truyền thống cần khoảng 33 kg nguyên liệu mới, trong khi một chiếc ô tô điện cần hơn 200 kg, gấp 6 lần ô tô truyền thống. Tất cả đều cho thấy nhu cầu về sản lượng khai thác kim loại sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

Trong quá trình sản xuất các phương tiện năng lượng mới, pin điện là thành phần quan trọng nhất và nhu cầu cũng cao nhất. Nguyên liệu thô của pin điện chủ yếu bao gồm vật liệu điện cực âm và dương, chất điện phân, vật liệu cơ bản điện cực, vật liệu phân tách và vật liệu lon. Trong số đó, coban, niken, liti, mangan và các khoáng kim loại khác là nguyên liệu quan trọng trong quá trình sản xuất pin, chiếm vị trí quan trọng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của ô tô mới. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Cuộc chiến giành coban

Trong số nhiều vật liệu năng lượng mới, coban là chất đảm bảo quan trọng cho sự ổn định và an toàn của pin đồng thời cũng là kim loại có trữ lượng thấp nhất và giá cả cao nhất. Năm 2019, trữ lượng quặng coban của thế giới khoảng 7 triệu tấn. Trong khi đó, trữ lượng toàn cầu của các mỏ lithium vào năm 2019 là 17 triệu tấn và trữ lượng niken là 89 triệu tấn, cho thấy sự chênh lệch rõ rệt tỷ lệ vật liệu trong sản xuất pin.

Chuỗi công nghiệp coban đang cho thấy xu hướng tập trung cao độ. Hiện tại, tổng sản lượng của Cộng hòa Dân chủ Congo, Cuba và Australia chiếm khoảng 75% tổng sản lượng coban toàn cầu, trong đó Congo chiếm 70% tổng sản lượng, chiếm vị trí hàng đầu trong chuỗi cung ứng; Trung Quốc chiếm khoảng 67% ngành công nghiệp chế biến quặng coban; 10 công ty khai thác coban hàng đầu thế giới chiếm 75% tổng sản lượng quặng.

Dù là nhà sản xuất pin hay chế tạo ô tô, tất cả các doanh nghiệp đều lo ngại chi phí sử dụng coban quá cao. Elon Musk cho biết: “Nếu tối đa hóa sử dụng niken và giảm lượng coban xuống bằng không có thể giảm 50% chi phí”. Mặt khác, coban là yếu tố kỹ thuật mà pin năng lượng không thể bỏ qua trước khi tìm ra biện pháp mới hiệu quả hơn. Điều này cũng có nghĩa là cuộc chiến giành coban sẽ dần trở nên gay gắt.

Đâu sẽ là cuộc chiến tiếp theo? 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Ngoài coban, niken và liti cũng là những nguyên liệu thô mới đóng vai trò then chốt cho ngành công nghiệp năng lượng mới. Về nguồn cung toàn cầu, Úc, Chile, Trung Quốc và Argentina chiếm 96% sản lượng lithium toàn cầu vào năm 2019. Ở cấp độ doanh nghiệp, hơn 90% năng lực sản xuất các sản phẩm lithiation trên toàn cầu tập trung ở China Tianqi Lithium, Chile Mining and Chemicals (SQM), Albemarle, Food Machinery và Australia Orocobre.

Gần đây, Tổng thống Mỹ Biden đã tích cực thúc đẩy “Chương trình hỗ trợ xe điện” trị giá 174 tỷ USD. Theo Bloomberg News, chỉ trong quý đầu tiên của năm nay, các công ty khai thác lithium ở Nevada đã huy động được gần 3,5 tỷ USD để đầu tư vào khai thác và chế biến lithium và sản xuất các sản phẩm từ đá vôi. Tập đoàn Softbank của Nhật Bản cũng đã đầu tư khoảng 8 tỷ yên vào tháng 4 năm 2018 để có được 9,9% cổ phần trong ngành công nghiệp Lithium Neimasca của Canada. Đồng thời, các đại gia xe hơi như BMW, Toyota và Tesla đã triển khai các nguồn khai thác lithium ở thượng nguồn. Ngoài ra, các quốc gia sản xuất cũng đang tích cực tìm kiếm sự thay đổi. Ví dụ, Chile kỳ vọng không chỉ là nước xuất khẩu tài nguyên mà còn tham gia vào sản xuất pin. 

Một nguyên liệu khác không thể thiếu là niken. Mặc dù dự trữ tương đối cao và giá cả ổn định nhưng do nhu cầu tăng vọt, giá niken đã tăng lên mức cao nhất trong 6 năm vào cuối tháng 2 năm nay, đạt 19.700 đô la Mỹ/ tấn. Theo dữ liệu từ công ty khai thác mỏ Vale của Brazil, trong lĩnh vực xe điện, nhu cầu niken dự kiến ​​sẽ vượt 890.000 tấn vào năm 2030 và ước tính cơ bản dự kiến ​​đạt 1,7 triệu tấn, đồng nghĩa với nhu cầu về niken trong lĩnh vực xe chạy bằng năng lượng mới sẽ tăng 8-16 lần trong mười năm tiếp theo. Việc thiếu hụt nguồn cung niken khiến các công ty lo lắng. Tỷ phú Elon Musk, người thường xuyên ủng hộ quan điểm "niken cao, coban thấp" đã nhiều lần kêu gọi khai thác niken, thậm chí tuyên bố: "Niken là điểm nghẽn lớn nhất đối với chúng tôi (Tesla)".

Có thể thấy, cung cầu khoáng sản kim loại ngày càng thắt chặt đang ảnh hưởng đến sự phát triển chung của ngành. Nếu không có các mỏ kim loại chất lượng cao và cũng như chuỗi cung ứng ổn định, dây chuyền sản xuất phương tiện năng lượng mới, nhu cầu của người tiêu dùng và đầu tư sẽ không thể được đảm bảo. Biến động nhỏ trong giá cả có thể gây ra rủi ro lớn trong ngành.

TL