![]() |
Đề xuất tăng ưu đãi thuế cho doanh nghiệp làm khoa học công nghệ |
Tại phiên thảo luận ngày 12/5 về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã tập trung góp ý các chính sách ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đặc biệt đối với doanh nghiệp làm khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thân thiện với môi trường.
Theo dự thảo luật, khoản 4 điều 4 quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các khoản thu từ hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và thu nhập từ bán sản phẩm được tạo ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Thời gian miễn thuế dự kiến tối đa không quá 3 năm.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng khoảng thời gian miễn thuế như vậy là quá ngắn, chưa đủ sức khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào các lĩnh vực vốn có chu kỳ nghiên cứu và thử nghiệm rất dài.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nhận định: “Thời gian 3 năm để khuyến khích đầu tư, đặc biệt trong chuyển đổi số và khoa học công nghệ - những lĩnh vực rất mới - là chưa đủ. Chúng ta phải tiệm cận với thế giới”. Bà đề xuất xem xét kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm đối với các lĩnh vực ưu tiên như y tế, dược phẩm, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo.
![]() |
Phó đoàn Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai - Ảnh: Media.quochoi.vn |
Đồng tình, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng) cho biết nhiều dự án nghiên cứu và phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, năng lượng tái tạo, AI, cần từ 5 đến 10 năm để hoàn thiện và thương mại hóa. “Chính sách miễn thuế tối đa 3 năm là quá ngắn so với chu kỳ đầu tư và phát triển công nghệ”, ông Minh nhận xét và đề xuất nâng thời gian miễn thuế lên tối đa 5 năm.
Góp ý tại điều 12 về nguyên tắc và đối tượng áp dụng ưu đãi thuế, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị cần bổ sung thêm nhóm doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng và thử nghiệm công nghệ. Bà cho rằng đây là khâu quan trọng, không thể thiếu trước khi sản xuất đại trà, nên cần được đưa vào diện ưu đãi thuế TNDN.
Đặc biệt, về điều 14 quy định thời điểm áp dụng miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… đại biểu Nguyễn Duy Minh kiến nghị cho phép thời gian ưu đãi tính từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập, thay vì năm cấp giấy chứng nhận, nhằm phản ánh đúng chu kỳ đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
![]() |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Minh (Đoàn TP Đà Nẵng) - Ảnh: Media.quochoi.vn |
Dự thảo Luật cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Với doanh nghiệp nhà nước, ngoài mức trích này còn phải bảo đảm tỷ lệ tối thiểu theo quy định pháp luật về khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng mức trích tối đa 10% chưa phù hợp với thực tiễn đối với từng loại hình doanh nghiệp. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) đề nghị nâng mức trích lập lên 15% cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo bà, điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ.
Về cơ chế sử dụng quỹ, các đại biểu nhấn mạnh cần có quy định rõ ràng, cụ thể và linh hoạt. Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề xuất giao Chính phủ xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên sử dụng quỹ, gắn với chiến lược phát triển khoa học công nghệ quốc gia và các ngành kinh tế mũi nhọn trong từng giai đoạn.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng đề xuất cần cho phép doanh nghiệp được chuyển phần quỹ chưa sử dụng hết sang năm sau, không bị truy thu thuế nếu không sử dụng hết 70% trong 5 năm, vì có nhiều dự án nghiên cứu cần 10–15 năm mới có thể ứng dụng hoặc thương mại hóa. Đồng thời, bà nhấn mạnh cần thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm phòng chống lạm dụng quỹ, sử dụng sai mục đích hoặc gây thất thoát, tham nhũng.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Duy Minh còn đề xuất mở rộng các khoản thu nhập được miễn thuế TNDN đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các dự án tự nghiên cứu, triển khai. Ông cũng đề xuất xem xét miễn thuế cho khoản thu từ chuyển nhượng, phần góp vốn hoặc quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, sản xuất bền vững và công nghệ thân thiện với môi trường, đại biểu đề nghị cũng cần được hưởng ưu đãi thuế tương xứng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.
Các ý kiến tại phiên thảo luận đều thống nhất rằng, trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và là động lực chính của tăng trưởng, việc xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, ưu đãi rõ ràng là điều kiện tiên quyết để thu hút doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận và dự kiến thông qua vào ngày 13/6 tới.