Cục Quản lý lao động ngoài nước trao đổi với doanh nghiệp về việc đưa đón lao động từ nước ngoài

23:36 15/03/2021

Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội giao Cục Quản lý lao động ngoài nước trao đổi với doanh nghiệp về việc đưa và đón lao động về nước đảm bảo công khai, minh bạch và an toàn.

Mới đây Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội cho biết, Bộ đã giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước trao đổi với doanh nghiệp về việc đưa và đón lao động về nước đảm bảo công khai, minh bạch và an toàn về phòng, chống dịch theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng khoảng 10.000 người. Đáng nói, thực tế không phải lao động hết hạn hợp đồng nào cũng muốn về nước.

Cục Quản lý lao động ngoài nước trao đổi với doanh nghiệp về việc đưa đón lao động từ nước ngoài
Cục Quản lý lao động ngoài nước trao đổi với doanh nghiệp về việc đưa đón lao động từ nước ngoài. Ảnh minh họa

 

Hiện nhiều nước tạo điều kiện cho lao động hết hạn hợp đồng chưa về nước được. Đơn cử như Nhật Bản cho phép những lao động nước ngoài hết hạn hợp đồng được gia hạn visa kéo dài tư cách lưu trú ít nhất thêm 1 năm hoặc chuyển đổi sang lao động kỹ năng đặc định.

Hàn Quốc cũng tạo điều kiện cho các lao động hết hạn hợp đồng đang chờ về nước chuyển sang làm việc thời vụ. Vì vậy, lao động hết hạn hợp đồng nếu chưa muốn về nước thì có thể tiếp tục ở lại làm việc.

Trường hợp lao động muốn về nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ liên hệ với từng doanh nghiệp, Đại sứ quán Việt Nam và Ban Quản lý lao động tại các nước để tổng hợp danh sách, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 lên phương án đưa lao động về theo từng đợt.

Trước đó, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội nhận được đề xuất từ một doanh nghiệp mong muốn được đứng ra kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu đưa lao động Việt Nam về nước, hoặc sang nước ngoài lao động nhằm tư vấn và hỗ trợ các thủ tục liên quan đến xin nhập cảnh vào Việt Nam.

Linh Anh