Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo toàn diện của giá cả hàng hóa và dịch vụ, đã tăng 0,2% trong tháng 7 tại Mỹ, đưa tỷ lệ lạm phát 12 tháng về mức 2,9%. Theo các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát, đây là mức tăng đã được kỳ vọng từ trước. Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ, tỷ lệ lạm phát theo năm vừa công bố đã đạt mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2021.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Tư (14/8), CPI lõi (loại trừ giá năng lượng và thực phẩm) đã tăng 0,2% hàng tháng và 3,2% theo năm. Đây là mức tăng đúng như kỳ vọng của các nhà kinh tế Phố Wall và là mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2021.
Theo các chuyên gia, chi phí nhà ở tăng 0,4% là nguyên nhân dẫn đến 90% mức tăng lạm phát của tất cả các mặt hàng.
Bên cạnh đó, giá thực phẩm ghi nhận tăng 0,2% trong khi giá năng lượng không thay đổi. Mặc dù lạm phát thực phẩm không tăng trong tháng 7, nhưng nhiều danh mục đã chứng kiến mức tăng giá đáng kể, đáng chú ý nhất là trứng đã tăng 5,5%. Ngũ cốc và các mặt hàng bánh mì giảm 0,5% trong khi sữa và các sản phẩm liên quan giảm 0,2%.
Lạm phát hạ nhiệt và triển vọng kinh tế Mỹ
Chỉ số lạm phát đã dần dần quay trở lại mốc mục tiêu 2% của Cục dữ trữ liên bang (Fed). Trước đó, các quan chức Fed đã thể hiện mong muốn nới lỏng chính sách lãi suất. Dù vậy, Fed vẫn duy trì thái độ thận trọng khi không đưa ra bất kỳ một cam kết nào về mốc thời gian cụ thể và cũng không có suy đoán về tốc độ hạ lãi suất có thể xảy ra.
Trước những thông tin vừa công bố cũng như những động thái của Fed, thị trường tương lai hiện đang đặt cược thêm vào khả năng Cục dữ trữ liên bang sẽ giảm lãi suất ở mức 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tiếp theo diễn ra vào ngày 17-18 tháng 9, và sau đó giảm ít nhất một điểm phần trăm vào cuối năm 2024.
Bà Seema Shah, Trưởng chiến lược gia toàn cầu tại Principal Asset Management, cho biết: "Bản in CPI hôm nay đã xóa bỏ mọi trở ngại lạm phát còn sót lại ngăn cản Fed bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất vào tháng 9... Tuy nhiên, con số này cũng cho thấy khả năng xảy ra rất hạn chế đối với việc cắt giảm 50 điểm cơ bản".
Trong khi lạm phát hạ nhiệt, những lo ngại lại đang gia tăng về thị trường lao động chậm lại tại Mỹ. Điều này dường như càng củng cố thêm khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng Covid.
“Giảm, nhưng các lĩnh vực khó khăn vẫn tiếp tục khó khăn”, Liz Ann Sonders, chiến lược gia đầu tư chính tại Charles Schwab, cho biết khi mô tả báo cáo CPI. “Chúng ta phải theo dõi chặt chẽ cả dữ liệu lạm phát cũng như dữ liệu việc làm”.
Ngoài ra, vẫn có một số luồng ý kiến trái chiều trong báo cáo thực sự cho thấy lạm phát vẫn đang dai dẳng ở một số lĩnh vực. Cụ thể:
- Giá ô tô tiếp tục giảm, với giá xe mới giảm 0,2%, xe ô tô và xe tải đã qua sử dụng giảm 2,3% theo tháng và 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí bảo hiểm ô tô tăng thêm 1,2% theo tháng và đã tăng 18,6% trong 12 tháng.
- Về nhà ở, chiếm hơn một phần ba trọng số của CPI, tiền thuê nhà đã tăng 0,4% theo tháng và tăng 5,3% theo năm, một lần nữa thách thức kỳ vọng của Fed về việc hạ nhiệt chi phí liên quan đến nhà ở.
Mặt khác, nhiều danh mục đã ghi nhận dấu hiệu giảm phát trong tháng, bao gồm dịch vụ chăm sóc y tế (giảm 0,3%), may mặc (giảm 0,4%) và giá hàng hóa cốt lõi (giảm 0,3%).
Phản ứng với tin tức vừa được công bố, giá cổ phiếu tương lai của Mỹ tăng nhẹ. Cụ thể, S&P 500 đã tăng 0,2%; Nasdaq 100 tăng 0,13% và chỉ số Dow Jones ghi nhận tăng 13 điểm.
Lân Nguyễn (t/h)