Với mục tiêu xây dựng thành phố Hà Tiên và Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa-di sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh biên giới, ngày 5/8/2020, KKTCK Hà Tiên được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 21/2020/QĐ-TTg, với diện tích 1.600 ha, gồm 5 phường: Pháo Đài, Đông Hồ, Tô Châu, Bình San, Mỹ Đức. KKTCK Hà Tiên được tổ chức thành 7 khu chức năng gồm: Khu phi thuế quan, khu cửa khẩu quốc tế, khu du lịch, khu hành chính, khu dân cư, khu công nghiệp và các khu chức năng khác.
Từ lâu, thành phố Hà Tiên là một trong những địa phương có vị trí địa lý quan trọng của tỉnh Kiên Giang. Nơi đây nằm ở cửa sông, ven biển, giáp biên giới Campuchia và có nhiều dạng địa hình như đồng bằng, đồi núi, hang động, hải đảo,... Đây cũng là vùng đất có bản sắc văn hoá rất đặc thù và đa dạng với lịch sử hình thành hơn 300 năm. Thành phố đã được tỉnh Kiên Giang quy hoạch, phát triển thành trung tâm kinh tế, thương mại trọng điểm của tỉnh. Thời gian qua, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nhanh, liên tục và ổn định. Đồng chí Lê Quốc Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Tiên cho biết: Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 5 năm vừa qua (giai đoạn 2016 – 2020) đạt 8,99%/năm. Đặc biệt, các lĩnh vực: Thương mại – Dịch vụ - Du lịch – Xuất nhập khẩu đã trở thành động lực chính để phát triển của Hà Tiên. Góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng thương mại – dịch vụ, công nghiệp – xây dựng, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội giai đoạn 2016-2020 của Hà Tiên đạt 44.081 tỷ đồng, tăng bình quân 12,22%/năm. Ngành du lịch cũng có bước phát triển nhanh, trong giai đoạn 2016-2020, bình quân hằng năm thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch. Phát triển của lĩnh vực du lịch kéo theo phát triển các ngành dịch vụ như: Giao thông vận tải, nhà hàng khách sạn, ngân hàng, bưu chính – viễn thông,… Hàng năm có gần 600 ngàn lượt người tham gia xuất-nhập cảnh và xuất-nhập biên qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Đến nay có trên 80 doanh nghiệp tham gia xuất-nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Trong giai đoạn năm 2016-2020 đạt 300,21 triệu USD (bình quân đạt trên 60 triệu USD/năm). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng bách hóa (đồ nhựa gia dụng, thực phẩm đóng hộp, dầu ăn, mì ăn liền, sữa, bột mì, bánh kẹo, bột giặt), bao nhựa PP, hàng thủy hải sản,…; Các mặt hàng nhập khẩu như: Gỗ các loại, thức ăn nuôi tôm, thủy hải sản các loại làm nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất và xây dựng,…
Bên cạnh đó, thành phố Hà Tiên cũng như KKTCK Hà Tiên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu, tham gia đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Tiên có tổng cộng 325 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng nguồn vốn đăng ký là 16.633 tỷ đồng, có 36 dự án với tổng vốn đầu tư là 4.441 tỷ đồng, quy mô 780 ha, chủ yếu là các dự án dịch vụ du lịch, phát triển đô thị; đến nay, có 29 dự án đã đi vào hoạt động với vốn đăng ký 2.308 tỷ đồng, quy mô 431 ha; 05 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, vốn đăng ký 2.078 tỷ đồng, quy mô 319,42 ha và 02 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Các dự án nổi bậc trên địa bàn thành phố Hà Tiên như: Dự án Khu đô thị lấn biển của Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh vật tư C&T, Khu đô thị Du lịch Nam Hà Tiên của Công ty TNHH MTV Thương mại Xây dựng A.C.M, Dự án Khu dân cư Cửu Long, các dự án khu bến cảng, tàu vận tải hành khách của Công ty TNHH MTV Thạnh Thới, Công ty Cổ phần Vận tải Bình An Hà Tiên, siêu thị Coop-mart,…
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, đời sống nhân dân cũng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 trên 70 triệu đồng/năm, gấp 1,7 lần so với bình quân đầu người của tỉnh, gấp 1,3 lần so với bình quân cả nước. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 190 hộ chiếm tỷ lệ 1,48%; hộ cận nghèo 260 hộ, chiếm tỷ lệ 2,03%; hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 19 hộ, chiếm 0,15%. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%.
Việc thành lập KKTCK Hà Tiên sẽ mang lại kỳ vọng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và thành phố Hà Tiên nói riêng, biến Hà Tiên trở thành cửa ngỏ giao thương hàng hóa, du lịch bằng đường bộ giữa hai nước Việt Nam-Campuchia nói riêng và các nước trong khu vực ASEAN nói chung. Đồng thời, là cửa ngỏ trung chuyển hàng hóa, khách du lịch bằng đường biển từ các tỉnh đất liền trong cả nước ra đảo Phú Quốc và ngược lại, góp phần phát triển hành lang kinh tế ven biển ở khu vực phía Nam. Phát triển du lịch theo hướng liên kết với các vùng trong tỉnh, khu vực, mở rộng hợp tác quốc tế về du lịch; huy động sự tham gia của nhiều nhà đầu tư để phát triển thương mại - dịch vụ, sản xuất công nghiệp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu, biên giới. Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư; phát triển khoa học công nghệ; hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ với các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở khu vực biên giới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Kiên Giang nói chung và thành phố Hà Tiên nói riêng theo hướng tăng dần tỷ trọng Thương mại - Dịch vụ, Công nghiệp - Xây dựng.
Ngoài ra, KKTCK Hà Tiên còn góp phần tạo ra một vị thế mới để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trong khu vực, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển hàng hóa quá cảnh, góp phần gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố Hà Tiên và tỉnh Kiên Giang. Hình thành các khu đô thị, khu dân cư, thương mại tập trung dọc biên giới, theo hướng phát triển đô thị thông minh, xanh, bền vững với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, tạo tiền đề để Hà Tiên đạt tiêu chuẩn đô thị loại II trước năm 2025. Đồng thời, đem lại nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động không chỉ ở khu vực cửa khẩu mà còn ở các vùng lân cận, đời sống nhân dân theo đó từng bước được nâng lên, góp phần xóa đói giảm nghèo. tạo thêm lợi thế phát triển vượt bậc cho Hà Tiên trong thời gian tới, tạo ra sức thu hút đầu tư mạnh mẽ, không chỉ đối với các nhà đầu tư trong nước mà cả với các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của địa phương.
Với những kỳ vọng trên, với mong muốn biến Hà Tiên trở thành thành phố văn hoá - du lịch và sinh thái, xanh, sạch đẹp, không có tệ nạn xã hội với cửa khẩu hiện đại, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của khu vực và quốc tế, Ban Quản lý Khu kinh tế cần tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh các quy hoạch chung thành phố Hà Tiên và KKTCK Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040. Sau đó sẽ triển khai lập và hoàn chỉnh Quy hoạch phân khu các khu chức năng thuộc KKTCK Hà Tiên. Tăng cường đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng KKTCK Hà Tiên và năng lực quản lý điều hành,cải cách thủ tục hành chính. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan để quản lý tài nguyên đất một cách thiết thực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Đặc biệt, nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn sẽ được áp dụng riêng đối với KKTCK Hà Tiên như ưu đãi về tiền thuê và sử dụng đất; ưu đãi về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu và vay tín dụng đầu tư. Cụ thể, các dự án đầu tư tại đây sẽ được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản, không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất của cơ quan nhà nước; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho toàn bộ thời hạn thuê đối với một số dự án đặc biệt; miễn tiền sử dụng đất đối với dự án được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất trong Khu kinh tế để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ đời sống cho người lao động theo quy hoạch,... Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới cũng được hưởng thuế suất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp rất hấp dẫn, Nhà nước hỗ trợ cho vay tín dụng đầu tư tối đa với mỗi dự án bằng 70% tổng mức vốn đầu tư trong thời hạn 12 năm,...
Tại Lễ công bố, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập KKTCK Hà Tiên.
Trần Hà