Ngày 31/8, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia công bố các số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về hoạt động vận tải và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông dịp lễ 2/9.
Để phản ánh các vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ như chở quá số người quy định, tăng giá vé quá quy định, nhồi nhét và chèn ép hành khách, chạy sai luồng tuyến, dừng đón trả khách sai quy định, ùn tắc giao thông và các vi phạm khác (uống rượu, bia rồi lái xe, sử dụng điện thoại, sử dụng ma túy, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm tốc độ, vận chuyển hàng cấm, nguy cơ cháy, nổ), tai nạn giao thông…, người dân liên hệ số điện thoại 0995.67.67.67 hoặc 069.2342608 (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an).
Phản ánh các thông tin về tình trạng quá tải tại nhà ga, bến xe; công tác bán vé, hành vi tăng giá vé quá quy định, chạy sai luồng tuyến, người dân liên hệ số điện thoại: 1900.599.870 máy lẻ 2, của Phòng Quản lý vận tải và phương tiện người lái - Cục Đường bộ Việt Nam.
Phản ánh các bất cập về tổ chức giao thông, về đường sá, đèn tín hiệu, chở quá tải trọng, ùn tắc giao thông trên cao tốc và các quốc lộ, liên hệ số điện thoại: 1900.599.870 máy lẻ 1, của Phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông - Cục Đường bộ Việt Nam.
Người tham gia giao thông muốn phản ánh và được giải đáp thông tin về đường sắt, liên hệ số 086.5367565 (Cục Đường sắt Việt Nam); về hàng không, liên hệ số 0916.562.119 (Cục Hàng không Việt Nam); về đường thủy, liên hệ số 0942.107.474 (Cục Đường thủy nội địa); về hàng hải, liên hệ số 0914.689.576 (Cục Hàng hải Việt Nam).
Để phản ánh chung về tình hình trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông, người dân có thể liên hệ tới số điện thoại của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: 081.9115911.
Trong một động thái khác, Cục Đường bộ Việt Nam mới đây cũng vừa có công điện gửi các đơn vị về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023.
Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, Cục Đường bộ đề nghị cần xây dựng kế hoạch và bố trí đủ số lượng phương tiện phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách; có phương án dự phòng. Đặc biệt, các đơn vị kinh doanh tuyệt đối không được đưa phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật ra hoạt động.
Các nhà xe cần quán triệt, phổ biến cho lái xe, nhân viên phục vụ thực hiện đúng quy định về thời gian lái xe liên tục, thời gian lái xe trong ngày; tuyệt đối không điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn trong máu và hơi thở; theo dõi và duy trì hoạt động, truyền dẫn đầy đủ, chính xác, kịp thời dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera đối với các phương tiện thuộc đối tượng phải lắp... Thực hiện các biện pháp bình ổn giá cước vận tải theo chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.
Các địa phương đang thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng, xe ô-tô 2 tầng phục vụ du lịch cần tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình vận hành.
Đối với các bến xe khách, Cục yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo phục vụ vận chuyển hành khách, có kế hoạch tổng thể trong kỳ nghỉ lễ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật xuất bến...
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân và người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, tuân thủ hiệu lệnh và hướng dẫn của lực lượng chức năng; nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau khi tham gia giao thông; chủ động tham gia giao thông an toàn và thực hiện “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện.
Thu Trà (t/h)