Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân đi vào hoạt động sẽ cung cấp các thông tin cơ bản có đầy đủ tính pháp lý về công dân. Theo đó, thay vì người dân, doanh nghiệp phải khai báo, nộp, chứng thực các giấy tờ khi thực hiện các giao dịch với cơ quan nhà nước thì các thông tin đó sẽ được trích xuất tự động khi thực hiện các giao dịch hoặc các cơ quan nhà nước tra cứu, khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Từ đó giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân. Đây cũng thể hiện quan điểm xuyên suốt của Chính phủ trong việc lấy người dân làm trung tâm, đồng thời lan tỏa, truyền cảm hứng đến người dân và toàn xã hội muốn làm, cùng làm và đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT.
Đặc biệt, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng các hệ thống phát triển Chính phủ điện tử, giúp thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại, thực hiện việc quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân, giúp giải quyết cơ bản vấn đề định danh, xác thực điện tử cho công dân trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, góp phần đổi mới công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Qua đó, càng khẳng định ý nghĩa quan trọng của 2 dự án này.
Đến nay, đã thu thập, chuẩn hóa dữ liệu của hơn 90 triệu dân (92% dân số), kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia và sẵn sàng đi vào hoạt động, bảo đảm các tiêu chí: hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương trong xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xây dựng dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân trong thời gian qua. "Quá trình thực hiện song song hai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, Bộ Công an đã tiết kiệm cho ngân sách 1000 tỷ đồng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đi vào hoạt động sẽ là đầu mối cung cấp các thông tin cơ bản có đầy đủ tính pháp lý về công dân. Thay vì người dân, doanh nghiệp phải khai báo, nộp, chứng thực các giấy tờ khi thực hiện các giao dịch với cơ quan nhà nước thì các thông tin đó sẽ được trích xuất tự động khi thực hiện các giao dịch hoặc các cơ quan nhà nước tra cứu, khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng các hệ thống phát triển Chính phủ điện tử. Khi hai hệ thống này chính thức đi vào hoạt động góp phần đổi mới công tác quản lý con người, quản lý nhà nước về an ninh trật tự theo hướng hiện đại; đồng thời, sẽ hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân được thực hiện theo Luật Căn cước công dân, đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020.
"Lực lượng Công an được Đảng và Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ chưa có tiền lệ từ trước đến nay, chiến dịch xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân tạo tiền đề xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội số, kinh tế số", Đại tướng Tô Lâm nói.
Theo Bộ Công an, để có kết quả bước đầu thành công, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là cơ sở, tiền đề, căn cứ pháp lý cho việc xây dựng hai hệ thống này.
Liên quan đến việc thực hiện hai dự án trên, Bộ Công an cho biết, đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (đơn vị chủ trì về công nghệ cho hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) và các đơn vị liên quan khác.
Thiết kế chi tiết của hai hệ thống được phê duyệt với nguyên tắc chung là bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí; thiết kế hệ thống căn cước công dân theo mô hình kế thừa đảm bảo tận dụng tối đa hiệu quả từ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, rà soát, tận dụng dùng chung hạ tầng cơ sở, thiết bị mạng, bảo mật, hạ tầng truyền dẫn của Bộ Công an…
Về việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin công dân, sau một thời gian triển khai, đến nay, cơ bản đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư trên toàn quốc, triển khai nhiều giải pháp bảo đảm thông tin dân cư chính xác, cập nhật thường xuyên theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”.
PV