Tiếp tục kỳ họp thứ 5, sáng 25/5 Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội ngân sách Nhà nước năm 2022 và kế hoạch năm 2023.
Trước đó, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo ý kiến của cơ quan này về đánh giá bổ sung thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022 và kế hoạch năm 2023, trong đó có lĩnh vực y tế.
Cơ quan của Quốc hội nhận định, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đã xuất hiện từ năm 2022. Tuy những tháng đầu năm 2023 Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản tháo gỡ nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để gây dư luận không tốt trong nhân dân. Vắc-xin cho tiêm chủng mở rộng chậm được cung cấp, một số loại vắc-xin còn khó khăn trong nhập khẩu, dẫn đến tình trạng thiếu vắc-xin tại một số địa phương , ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng, nguy cơ về nhiều bệnh nguy hiểm quay trở lại, bên cạnh đó, giá vắc xin chưa được điều chỉnh trong nhiều năm.
Có sự chênh lệch giữa giá vắc xin tiêm chủng mở rộng năm 2022 đã thẩm định và giá mua thực tế do định mức kinh tế - kỹ thuật nhiều năm chưa được điều chỉnh, việc định giá vắc xin gặp khó khăn do đây là mặt hàng đặc thù, quy trình kỹ thuật phức tạp và sản xuất qua nhiều năm; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính – Ủy ban Xã hội nêu.
Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế; tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối vẫn tiếp tục diễn ra và chậm được khắc phục, giải quyết, cũng là vấn đề cần quan tâm, theo báo cáo.
Cơ quan của Quốc hội còn lưu ý, mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể; tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức nghiêm trọng. Tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ dưới 5 tuổi và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn ở mức cao và chênh lệch nhiều giữa các vùng, miền. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện.
Về thực hiện nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy ban Xã hội nhấn mạnh giải ngân nguồn vốn của Chương trình rất chậm. Từ nay đến hết năm 2023 chỉ còn 6 tháng để hoàn thành việc thực hiện, giải ngân theo yêu cầu của Nghị quyết số 43 là khó khả thi.
Đến nay, số vốn được giao cho dự án đầu tư lĩnh vực y tế là 9.981,315 tỷ đồng, còn lại 4.018,685 tỷ đồng chưa được giao , do các dự án mới được giao vốn nên hiện nay chưa thực hiện giải ngân được.
Mặc dù số vốn theo Nghị quyết 43/2022/QH15 được giao để đầu tư phát triển cho y tế mới đạt khoảng hơn 70%, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải ngân do một số khó khăn trong thực hiện pháp luật mua sắm, đấu thầu, đầu tư xây dựng.
Việc chấp hành nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn ở một số nơi còn chưa nghiêm; thiếu hướng dẫn nguyên tắc điều hòa linh hoạt vốn giữa các nhiệm vụ, dự án sử dụng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh đó, còn có tâm lý sợ sai, e ngại nên phát sinh nhiều thủ tục nội bộ, làm kéo dài thời gian thực hiện việc phân bổ vốn và triển khai dự án, cơ quan của Quốc hội nhận định.
Ủy ban Xã hội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung nghiên cứu, xây dựng các dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương về Luật Trang thiết bị y tế bảo đảm tiến độ trình Quốc hội theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Bộ Y tế được đề nghị chủ động, tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản tháo gỡ các vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Rà soát, thống kê nhu cầu sử dụng vắc-xin của các tỉnh, thành phố; làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng để có giải pháp cung ứng kịp thời các vắc-xin dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng trong thời gian tới cũng như có kế hoạch dự trù vắc-xin trong năm 2024.
Nguyễn Lê/baodautu.vn